Vài suy nghĩ nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Cập nhật ngày: 19/06/2014 16:35:07

Đang tham dự kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, từ Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan đã có bài viết bày tỏ tâm tư, tình cảm đối với nghề báo và lực lượng những người làm báo tỉnh nhà nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Báo Đồng Tháp trân trọng giới thiệu bài viết trên.


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan
trả lời phỏng vấn báo chí

Một ngày vui của những người làm báo, sống vì nghề báo đang đến. Một thoáng nao lòng khi trong không khí như thế này lại không được cùng ngồi, cùng chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề cùng với những người đã chọn cho mình một sứ mệnh là kênh truyền dẫn, kết nối giữa Đảng, chính quyền với một xã hội mênh mông những con đường, những hướng đi, những đích đến.

Những ngày này, trở lại khái niệm về báo chí là “Quyền lực thứ tư” xem ra cũng không thừa, nhưng tôi vẫn thích khái niệm “Kênh truyền dẫn”. Đúng vậy, báo chí chính là kênh truyền dẫn mà bất kỳ người lãnh đạo nào cũng cần nghiền ngẫm để đặt báo chí vào đúng vị trí, để báo chí thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của mình, trong một xã hội đa chiều mà tất cả phải ra sức phụng sự.

Xã hội ngày nay thay đổi nhanh chóng, tri thức nhân loại đang tăng với cấp số nhân, sự phân hoá, phân tầng luôn là một thuộc tính của một xã hội luôn vận động. Trong điều kiện ấy, để có được những quyết định kịp thời và nhanh chóng của người lãnh đạo, điều tối quan trọng là phải có những kênh truyền dẫn, trong đó báo chí chính là một trong những kênh truyền dẫn quan trọng nhất, hữu hiệu nhất. Chính báo chí bằng sự nhạy cảm xã hội và bằng cách nhìn, cách biện luận, sẽ truyền dẫn những thông tin, truyền dẫn những ý tưởng và sớm chuyển nó thành đường lối, chính sách. Từ chiều ngược lại, với trách nhiệm xã hội của mình, báo chí lại truyền dẫn các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tới thực tiễn, tới đời sống xã hội.

Thực tiễn thì luôn sinh động, phong phú, đa chiều mà không một người lãnh đạo tài giỏi, thậm chí là kiệt xuất nào có thể biết hết được, có thể hình dung hết được. Và như vậy, khi sự vận động chậm chạp là do những kênh truyền dẫn bị ách tắc làm cho những vấn đề của thực tiễn không được phản ánh đầy đủ tới những người lãnh đạo, thì sự ách tắc tất yếu xảy ra. Thậm chí, khi những thông tin từ thực tiễn đã tới nơi, mà những người điều hành thiếu nhạy cảm, thậm chí vô cảm, thì sự trì trệ tất yếu xảy ra. Các điểm nghẽn trong vận hành bộ máy hiện nay là do tắc các kênh truyền dẫn đó.

Tôi thường không nhìn những người làm báo là những người đưa tin đơn thuần. Vì qua những mẩu tin, những chuyên trang, chuyên mục trên báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử tỉnh nhà, tôi “nhìn” thấy trong đó không chỉ là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, mà còn là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Tôi cảm nhận được niềm vui của người làm báo về sự đi lên của quê hương, đồng thời tôi cũng cảm nhận nỗi niềm ưu tư của những người làm báo khi phát hiện tại yếu kém của quê mình. Tôi biết anh em cùng chung niềm vui với chính quyền khi phát hiện những mô hình phục vụ tốt, ngược lại, anh em cũng đồng cảm với người dân khi nơi này nơi kia, chính quyền còn vô cảm, tắc trách, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tôi thật sự xúc động khi biết nhiều nhà báo đã trân trọng với những tấm gương vượt khó, những doanh nghiệp đi đầu vào những mô hình liên kết, xây dựng thương hiệu, những xóm làng bình yên, những tổ chức luôn hướng đến cái mới, những người thầm lặng đóng góp cho xã hội với tấm lòng thiện nguyện của mình.

Chúng ta không cần “giật gân”, không cần “đao to búa lớn”, nhưng chỉ với một mẩu tin, một khuôn hình, một lời bình, chúng ta cũng đã đưa ra được một thông điệp có thể đánh động tâm thức toàn xã hội. Tôi rất ấn tượng khi xem những chuyên mục đối thoại chính sách trên một số loại hình báo chí, ở đó nhà báo cùng với người lãnh đạo cùng đưa những vấn đề ra trao đổi, tranh luận. Ở đó không chỉ là “hỏi xoáy”, “đáp xoay” mà là cùng phát hiện, cùng tranh luận, cùng chia sẻ. Khi có độ tương tác cao giữa người lãnh đạo và người làm báo như vậy, các quyết định nhất định sẽ chuẩn xác, tạo được sự đồng thuận xã hội. Và, như vậy con đường phía trước được rõ ràng hơn, cái khó bớt khó hơn, cuộc sống sẽ được tươi đẹp hơn.

Như vậy, nhà báo tỉnh nhà không chỉ là người đưa tin nữa mà nhà báo còn sống trong lòng xã hội, hành nghề vì trách nhiệm xã hội, vì mảnh đất và con người Đồng Tháp của tất cả chúng ta. Tôi rất thích cùng ngồi với nhà báo để lắng nghe, để chia sẻ, để tương tác, từ đó cùng hành động vì quê hương giàu đẹp. Vậy, chúng ta hãy cùng tự tin, cùng hành động vì con người đất Sen hồng luôn biết vượt lên chính mình, vượt lên phía trước!

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn