Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Cập nhật ngày: 04/08/2023 16:08:57

ĐTO - Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của cán bộ, Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Theo Người, cán bộ là một vấn đề trọng yếu, quyết định mọi công việc, công việc cách mạng phải có cán bộ và cán bộ phải tốt. Tư tưởng của Người về công tác cán bộ thể hiện tập trung vào việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo cán bộ để tạo ra lớp cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.


Học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa 168 (C168_ĐUK) đi thực tế tại Trung tâm chính trị TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang)

Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, quy hoạch và sử dụng cán bộ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng lên, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia, vừa nâng cao chất lượng công tác này.

Kết quả giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2023, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố trong tỉnh đã mở được 1.606 lớp, gần 261.000 lượt học viên; Trường Chính trị tỉnh đã mở được 99 lớp, với 9.566 học viên. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố được đầu tư, nâng cấp. Về nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo chức danh, vị trí việc làm, sát với yêu cầu, nhiệm vụ, lý luận gắn với thực tiễn. Cán bộ, học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, ngoài học tập lý luận chung còn đi thực tế, học tập kinh nghiệm mô hình hay, cách làm hiệu quả trong và ngoài tỉnh để vận dụng ở địa phương, đơn vị. Chất lượng đội ngũ giảng viên từng bước được nâng lên.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tỉnh, cần thực hiện tốt một số giải pháp như: tiếp tục nâng cao nhận thức và vai trò của cấp ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị vừa cơ bản, lâu dài, kịp thời, cấp thiết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học và tự học của cán bộ, phải làm cho cán bộ, đảng viên thích học, tích cực tham gia học tập, được học, nhất là học lý luận chính trị.

Xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận, có kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm quản lý; đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với từng loại hình đào tạo và chức danh cán bộ, đánh giá thực chất kết quả đào tạo; gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực thực hành và kỹ năng làm việc. Biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại; đầu tư kinh phí và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện.

HOÀNG DŨNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn