Vẹn nguyên ký ức về ngày 30/4 lịch sử
Cập nhật ngày: 27/04/2015 13:49:24
Chúng tôi đã tìm gặp và trò chuyện với một số đồng chí lão thành cách mạng để hiểu hơn về không khí hào hùng của ngày 30/4/1975 lịch sử tại thị xã Cao Lãnh (nay là TP.Cao Lãnh) và Sa Đéc (nay là TP.Sa Đéc).
Đồng chí Nguyễn Bình Dân: “Chiếm đồn Huế Ụt không tốn một viên đạn”
Đồng chí Nguyễn Bình Dân (SN 1946) tên thật Nguyễn Văn Lẹ đang ở khóm 1, phường 1, TP.Cao Lãnh là một trong những người đã tham gia giải phóng thị xã Cao Lãnh. Đồng chí Bình Dân kể: Trưa ngày 30/4/1975, tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như luồng điện làm bật lên khí thế và niềm tin của quân ta. Bí thư Thị đoàn Cao Lãnh, được phân công cùng với 1 đồng chí khác chỉ huy lực lượng võ trang thị xã phối hợp với lực lượng An ninh võ trang tỉnh tiến ra rạch Bà Vại, chiếm đồn Huế Ụt (ngay Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp bây giờ) để mở đường qua chợ Mỹ Ngãi, tiến vào chiếm Tòa Hành chính tỉnh, Ty Cảnh sát và Ty Ngân khố.
Khoảng 15 giờ, ngày 30/4, lực lượng do đồng chí Bình Dân phụ trách hành quân ra chợ Mỹ Ngãi. Đến 8 giờ tối, ta tiếp cận, bao vây đồn Huế Ụt. Sau khi bố trí lực lượng xong, núp dưới bờ mương gần đồn, đồng chí Bình Dân cầm loa tay hướng về đồn Huế Ụt nói: “Xã trưởng Ba nghe đây! Tôi là Lẹ đây, dẫn quân ra tiếp quản thị xã Cao Lãnh. Tôi kêu gọi anh đầu hàng quân Giải phóng, giao đồn cho cách mạng”. Khoảng 10 phút sau, Trưởng đồn Huế Ụt là Xã trưởng Ba, nói: “Tụi tôi đầu hàng nhưng mấy ông làm sao bảo đảm tính mạng tụi tôi”. Đồng chí Bình Dân ra lệnh: “Các anh bắn pháo sáng lên, bỏ súng trong đồn, mọi người cởi áo chỉ mặc quần cụt xếp hàng một đi ra”. Địch chấp hành nghiêm túc, ta chiếm được đồn Huế Ụt không tốn một viên đạn, không có ai thương vong.
Đồng chí Bình Dân cùng Xã trưởng Ba qua chợ Mỹ Ngãi. Lúc đó máy truyền tin PRC25 của địch đang mở, nghe bọn ngụy nói chuyện với nhau. Đồng chí Bình Dân dùng máy này nói chuyện với chúng và gặp Thiếu tá Thành Quận trưởng - Chi khu trưởng Cao Lãnh. Đồng chí nói: “Tôi là quân Giải phóng, đã vào tới chợ Mỹ Ngãi. Mời các ông có trách nhiệm ở chi khu, tiểu khu đến đây gặp chúng tôi để bàn giao chính quyền cho cách mạng”. Thiếu tá Thành lên tiếng: “Chúng tôi xin nghe lệnh các ông, sẽ lên chợ Mỹ Ngãi gặp các ông”...
Đồng chí Lê Văn Mai: “Đánh giá đúng thời cơ tấn công và nổi dậy giải phóng địa phương”
Đồng chí Lê Văn Mai - nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Sa Đéc bồi hồi nhớ lại: Năm 1974, phong trào đấu tranh chính trị tại Sa Đéc phát triển mạnh. Thị xã ủy đã tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh ở thị xã, qui tụ nhiều thân hào nhân sĩ, nhà tu, trí thức, nhà giáo, học sinh tham gia. Lúc bấy giờ Tỉnh ủy có nghị quyết mở rộng vùng giải phóng ở bờ Nam sông Tiền, Thị ủy Sa Đéc đã phối hợp với Huyện ủy Lai Vung tổ chức lực lượng vũ trang địa phương tấn công địch tại một số xã vùng ven thị xã, tạo thế liên hoàn làm bàn đạp để tấn công vào thị xã Sa Đéc. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tôi là Bí thư Thị xã ủy nhận được lệnh trực tiếp từ đồng chí Trần Anh Điền, Thường vụ Khu ủy Khu 8; đồng chí Lê Văn Sa, Thường vụ Tỉnh ủy Sa Đéc. Các đồng chí đã phổ biến lệnh tổng công kích - tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ban Chỉ đạo Sa Đéc được thành lập, đồng chí Năm Thảo là trưởng ban, phụ trách chung; còn tôi là Phó ban, trực ban chỉ đạo... Lực lượng tấn công vào thị xã Sa Đéc được bố trí thành 3 mũi: Ngay trong đêm 30/4/1975, lực lượng ta đã áp sát và tiếp cận được các mục tiêu tấn công. Đến 8 giờ tối, ta nổ súng vào một bộ phận tuần tiểu của Biệt khu 41, địch bỏ chạy về Rạch Dầu. 12 giờ khuya tên tỉnh trưởng Lê Khánh không còn lên máy PRC 25 để chỉ huy nữa. Lực lượng ta tiến quân chiếm hầu hết các mục tiêu đã định. Đến 5 giờ sáng ngày 1/5/1975 quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc.
Đồng chí Lê Phương Hồng: “Tưng bừng ngày giải phóng”

Đồng chí Lê Phương Hồng (SN 1948) tên thật Lê Văn Bên hiện ở khóm 1, phường 1, TP.Cao Lãnh. Đồng chí là một trong những người tham gia chỉ huy cánh quân đầu tiên vào thị xã Cao Lãnh cùng với đồng chí Nguyễn Bình Dân.
Đồng chí Phương Hồng nhớ lại: Lúc bấy giờ đồng chí là Phó Tiểu ban Bảo vệ chính trị, Ban An ninh tỉnh. Đơn vị đang đóng quân ở Ngã Sáu (nay thuộc xã Phú Điền, huyện Tháp Mười), nhận được thư của lãnh đạo với nội dung phải rút về Cao Lãnh ngay trong đêm. Lập tức, đơn vị đội mưa, vượt đường đồng về Văn phòng Ban An ninh tỉnh (đóng tại Xẻo Quít). Tại đây, đồng chí được lệnh chuẩn bị đánh chiếm thị xã Cao Lãnh. Ngay sau đó, đồng chí Phương Hồng tổ chức họp toàn lực lượng, chia thành 3 cánh quân tiến vào thị xã do chính đồng chí làm chỉ huy trưởng.
Đồng chí Lê Phương Hồng kể: “Đêm 30/4, nhân dân không ngủ được, rạo rực chờ đợi xem điều gì xảy ra nhưng sợ 2 bên đánh nhau nên đóng kín cửa. Đến nửa đêm ngày 30/4/1975, thị xã Cao Lãnh hoàn toàn giải phóng. Mọi nhà bật đèn sáng lên, mở cửa ra. Không biết nhân dân đã chuẩn bị từ khi nào, chỉ một lúc sau, cờ Giải phóng treo rợp đường. Sáng hôm sau, người dân ở nhiều nơi khác tràn về thị xã Cao Lãnh, vui niềm vui hòa bình. Ngày ấy, ai ai cũng vui mừng, tươi cười rạng rỡ. Đối với tôi, mọi việc cứ như trong mơ, vui mừng đến rơi nước mắt vì miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất”.
Đồng chí Nguyễn Văn Mốt: “Ngày tiếp quản dấu ấn khó phai”
Đồng chí Nguyễn Văn Mốt xưa là giáo viên cũng là cơ sở của cách mạng tại Trường Bồ Đề Sa Đéc. Ngoài dạy học, đồng chí đã âm thầm thực hiện công tác “trí vận” theo sự phân công của Đảng. Để đáp ứng nhu cầu đấu tranh cách mạng, giải phóng quê hương, đồng chí đã tập hợp anh em cùng chí hướng, học sinh tiến bộ, một số phật tử gần chùa khéo léo tuyên truyền, đồng thời xây dựng lực lượng cách mạng địa phương để chuẩn bị tư thế cho cuộc tổng nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Đồng chí Nguyễn Văn Mốt kể: “Sáng ngày 1/5/1975 quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc. Tôi tham gia tiếp quản tại Tòa hành chánh tỉnh Sa Đéc. Tôi lên loa phóng thanh thông báo đồng thời kêu gọi các công chức, những người theo chính quyền Sài Gòn đầu hàng, về với cách mạng để được hưởng khoan hồng... Mọi chuyện diễn ra êm ấm, không có đổ máu, chết chóc. Ngoài đường phố nhộn nhịp hẳn lên, người người đổ ra đường mừng giải phóng. Khắp đường phố Sa Đéc xuất hiện nhiều cờ Dân tộc Giải phóng...”
Nhựt An - K.Ngân