Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp trên vùng biển của mình
Cập nhật ngày: 02/06/2023 05:14:29
Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng tại họp báo chiều 1/6
Chiều 1/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp tiếp các thông tin mới về hoạt động trái phép của tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến liên quan và đang kiên quyết, kiên trì bảo vệ, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và pháp luật Việt Nam”.
Cuối tháng 5 vừa qua, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc”, đồng thời triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết, liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại thành phố Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) khiến 11 người tử vong và 2 người bị thương ngày 19/5, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Tổng Lãnh sự quán của Việt Nam tại Nam Ninh đã phối hợp với cơ quan chức năng sở tại, hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình nạn nhân, tiến hành các thủ tục hậu sự để đưa di hài về nước. Hiện, Bộ Ngoại giao cũng đang tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, sớm đưa 2 công dân bị thương về nước.
Vụ tai nạn xảy ra sáng 19/5 tại tuyến đường qua làng Tứ Minh, thành phố Tịnh Tây, khi chiếc xe Toyota Highlander lao khỏi vách đá trên con đường núi rồi rơi xuống hồ nước phía dưới. Đây là xe 7 chỗ nhưng chở gấp đôi số người. Tai nạn làm 11 người thiệt mạng; 3 người sống sót, trong đó có tài xế người Trung Quốc và 2 người Việt Nam. Cơ quan chức năng Trung Quốc ngày 22/5 cho biết toàn bộ 11 người thiệt mạng là người Việt Nam.
Liên quan đến việc giải cứu các công dân Việt Nam từ Philippines về nước, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết, đến nay, đã có 140 công dân trong tổng số 437 người Việt Nam được giải cứu từ sòng bạc ở Philippines đã về nước an toàn. Trong số đó, nhóm đầu tiên gồm 60 người về TPHCM hôm 30/5, 80 người tiếp theo được hồi hương trong 2 ngày qua. Các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục trao đổi với chính quyền Philippines để sớm đưa số công dân còn lại về nước an toàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. “Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Trước đó, ngày 4/5, các lực lượng chức năng Philippines đột kích cơ sở đánh bạc do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần thủ đô Manila, giải cứu 1.090 người, trong đó có 437 công dân Việt Nam.
Theo TRẦN BÌNH (SGGP)