Việt Nam lấy làm tiếc phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long về vấn đề Campuchia

Cập nhật ngày: 05/06/2019 05:41:59

Tối 4/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam lấy làm tiếc về phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Việt Nam đã "xâm lược", "chiếm đóng" Campuchia.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: TTO

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận.

Bà Thu Hằng cho biết thêm Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này.

"Đóng góp và hi sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ. Phán quyết đã phản ánh khách quan sự thật lịch sử, thực thi công lý, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh" - bà Hằng nêu rõ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh những thành tựu ASEAN có được ngày nay là kết quả nỗ lực chung của tất cả các thành viên trong suốt chiều dài lịch sử của hiệp hội. Mỗi thành viên thấu hiểu sâu sắc tầm quan trọng của việc không ngừng củng cố đoàn kết toàn khối, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các nguyên tắc chung của ASEAN.

"Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cùng các thành viên khác làm hết sức mình vì mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất, đoàn kết và có vai trò trung tâm tại khu vực" - bà Hằng khẳng định trong phát ngôn tối 4/6.

Trước đó, hôm 31/5, trên trang Facebook chính thức, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đăng một bài viết chia buồn trước việc cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nhà lãnh đạo Singapore không sử dụng các cụm từ như "xâm lược" và "chiếm đóng" để nói về thời gian quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Khmer Đỏ.

Trong bài viết của mình, ông Lý Hiển Long đã ca ngợi giai đoạn cầm quyền của cựu thủ tướng Thái Lan, cho rằng sự lãnh đạo của ông Prem đã "đem lại lợi ích cho khu vực".

"ASEAN (lúc đó chỉ có 5 nước) đã cùng nhau chống lại Việt Nam xâm lược Campuchia và Chính phủ Campuchia thay thế Khmer Đỏ. Thái Lan ở tiền tuyến, đối mặt với các lực lượng Việt Nam vượt biên giới từ Campuchia. 

Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận sự vi phạm này và bắt tay với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam ra các diễn đàn quốc tế" - ông Lý Hiển Long viết trên Facebook kèm theo hình ảnh ông Prem ngồi với cha mình - cố thủ tướng Lý Quang Diệu.

Các bình luận của ông Lý Hiển Long đã vấp phải sự phản đối của Campuchia. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh ngày 3/6 nhấn mạnh những phát ngôn của thủ tướng Singapore là "sai sự thật lịch sử" và "không thể chấp nhận được".

Ngay sau khi đáp xuống Phnom Penh tối 3/6, ông Tea Banh đã tổ chức họp báo, khẳng định đã yêu cầu ông Lý Hiển Long phải cải chính về những gì đã nói. Song, tính đến thời điểm hiện tại, bài viết trên trang Facebook của nhà lãnh đạo Singapore vẫn chưa được chỉnh sửa.

Nghị sĩ Hun Many, con trai của thủ tướng Hun Sen, khẳng định cho dù lợi ích quốc gia hay quan điểm chính trị vào thời điểm đó có thể khác, "người ta không nên bỏ qua, cũng không nên quên sự tàn bạo và tội ác chống lại loài người, đặc biệt là tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ".

"Thế giới không nên quên người Campuchia đã phải chịu đựng biết dường nào. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng và 20 ngày, bởi vì thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi, gần 3 triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ.

Trong khi tất cả đều đang chơi bài chính trị, người Campuchia đã cầu nguyện rằng không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Để rồi cuối cùng chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ", nghị sĩ Hun Many nhấn mạnh trên báo Phnom Penh Post.

DIỆU AN - BẢO DUY/TTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn