Xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Cập nhật ngày: 05/09/2023 10:23:48

ĐTO - Ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ban Chấp hành khóa mới đã chủ động cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng nhiều Nghị quyết và Kết luận chuyên đề để thực hiện. Hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ xây dựng Chương trình hành động để lãnh đạo thực hiện phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế địa phương. Qua đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt nhiều kết quả quan trọng.


Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nổi bật, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của tỉnh. Việc rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy, phân công kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của một số chức danh cán bộ, công chức, viên chức cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Đặc biệt, số lượng cấp phó, đầu mối bên trong được thu gọn, sáp nhập đơn vị hành chính không đủ điều kiện; không thành lập tổ chức mới, tổ chức trung gian, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm biên chế. Đến nay, Đồng Tháp đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình cấp tỉnh (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp với Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh...). Đối với cấp huyện có 3 mô hình: Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện, Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện...

Các cấp ủy, chính quyền quan tâm đổi mới phương pháp làm việc, phân cấp quản lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát công việc, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đã kết nối liên thông hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Tỉnh đang xây dựng các API (Giao diện Chương trình ứng dụng) để kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an qua trục liên thông LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu) của tỉnh. Tỉnh đã và đang xây dựng chính quyền số, điều hành năng động, quản lý hiệu quả, trách nhiệm với Nhân dân, tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, phục vụ tốt yêu cầu của xã hội, các thành phần kinh tế và người dân. Tổ chức vận hành Không gian làm việc chung Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tại tòa nhà Khối các đơn vị sự nghiệp (Phường 1, TP Cao Lãnh).

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, công chức, viên chức các đơn vị, địa phương trong tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính từng bước được nâng cao, thông qua hoạt động của Trung tâm hành chính công, mô hình “Một cửa, một cửa liên thông” gắn với triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4. Tỉnh quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: “Cà phê doanh nghiệp”, “Không gian đại đoàn kết”, “Ngày không hẹn”, “Chuyển đổi số cộng đồng”. Ngoài ra, tỉnh tiếp nhận kiến nghị thông qua Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo. Duy trì thường xuyên việc chính quyền đối thoại với Nhân dân qua sóng phát thanh và cán bộ, công chức cấp xã tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân để lắng nghe, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân. Chất lượng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS không ngừng được cải thiện, có chỉ số đạt thứ hạng cao so với khu vực và cả nước trong nhiều năm. Các cấp, ngành thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết hơn 500 thủ tục trên các lĩnh vực (đầu tư công, tiếp cận đất đai, đăng ký tài sản, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh).

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, với trọng tâm thực hiện cải cách hành chính, thực thi công vụ; tổ chức rà soát, đánh giá hạn chế và chủ động đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị, địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục tinh giản biên chế theo lộ trình, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước thông qua việc xử lý hồ sơ công việc, hội họp, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số để làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn