Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân

Cập nhật ngày: 28/02/2014 04:30:59

Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân, 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP), phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn Đại tá Đỗ Văn Lực - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đồng Tháp về phát huy truyền thống của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) biên phòng.

* PV: Ông cho biết thế trận biên phòng toàn dân những năm qua được thực hiện như thế nào?

- Đại tá Đỗ Văn Lực (Đ.V.L): Nhìn tổng thể, 5 năm qua, thế trận Biên phòng toàn dân đã được củng cố và từng bước hoàn thiện. Các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh nói chung và nhân dân 3 huyện, thị xã và 8 xã biên giới nói riêng hiểu sâu hơn về “Ngày Biên phòng toàn dân”, về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, từ đó làm chuyển biến nhận thức, hành động cụ thể với phong trào “Hướng về biên giới, vì biên giới”.

Đạt được những kết quả này, có nhiều nguyên nhân, tôi xin nêu nguyên nhân quan trọng nhất là do có sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động của các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò nòng cốt của BĐBP thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”; từng đảng viên, CB, CS luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.

* PV: Ngoài nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP tỉnh tham gia phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới trong những năm qua đạt được những kết quả như thế nào?

- Đại tá Đ.V.L: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã và 8 xã biên giới triển khai thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Giải quyết cơ bản những vấn đề nổi lên ở biên giới của tỉnh như: tình hình cướp có vũ trang, trộm cắp trâu bò, vượt biên, xâm nhập, buôn lậu, mua bán vận chuyển các chất gây nghiện. Đồng thời xây dựng các công trình dân sinh và hệ thống công trình phòng thủ - quốc phòng ở khu vực biên giới như: đường giao thông, cụm tuyến dân cư,... với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng...

* PV: Một số công việc mà BĐBP chung tay chăm lo đời sống nhân dân vùng biên giới?

- Đại tá Đ.V.L: Thực hiện cuộc vận động “Mái ấm biên cương cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Bộ Chỉ huy BĐBP phối hợp với MTTQ tổ chức vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây mới 1.222 căn nhà tặng cho dân, trị giá 30,5 tỷ đồng. CB, CS tự nguyện đóng góp tiền lương hàng tháng và trích khẩu phần gạo hàng ngày để hỗ trợ hàng tháng cho 27 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, không có khả năng lao động, mỗi hộ 200.000 đồng và 15kg gạo. Đến nay, 4 phòng khám quân dân y của đơn vị trên biên giới đã khám và chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới được 95.554 lượt người. Đơn vị cũng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức khám bệnh và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo hai bên biên giới được 15.339 suất, trị giá 730,295 triệu đồng; thường xuyên làm tốt công tác lao động giúp dân như phòng, chống lụt bão, sửa chữa cầu, đường,...; xây dựng 5 trạm cấp nước sạch trị giá 6,7 tỷ đồng (kinh phí của Bộ Quốc phòng hỗ trợ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động tài trợ) phục vụ 1.775 hộ dân và đơn vị ở biên giới với giá thấp hơn giá quy định của Nhà nước 1.000 đồng/m3. Các Đồn Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương 8 xã biên giới xây dựng được 25 tổ tự quản đường biên cột mốc với 492 thành viên hoạt động rất tích cực.

* PV: Ông cho biết đôi nét về đối ngoại biên phòng?

- Đại tá Đ.V.L: Thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác giáo dục cho đảng viên, CB, CS và quần chúng nhân dân hiểu về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế biên giới, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985... Vì vậy, mối quan hệ 2 bên biên giới trong 5 năm qua luôn được giữ vững, ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, duy trì ký kết thỏa thuận, hợp tác hàng năm giữa 2 tỉnh Đồng Tháp - Prâyveng và giữa các lực lượng, ban, ngành của tỉnh, huyện, xã giáp biên, giữa các Đồn, Trạm Biên phòng Việt Nam với phía bạn Campuchia trong quản lý bảo vệ biên giới, tuần tra song phương, phòng chống tội phạm,...

* PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn