Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 26/05/2022 10:01:56
ĐTO - Thời gian qua, tỉnh lựa chọn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, đóng góp an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 thông qua các phong trào thi đua để xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của cả hệ thống chính trị, là sự đồng lòng, góp sức của mỗi người dân để vượt qua đại dịch với quyết tâm sắt đá như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi”. Các hộ gia đình, người dân chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19; phát huy tinh thần tự quản, tương thân tương ái, đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ cũng như giúp đỡ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Nhiều gương người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được ghi nhận và tôn vinh. Nổi bật là các mô hình “Shipper áo xanh”, “Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Hãy ở nhà, chúng tôi đến tận nhà”... Đây là những sáng kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhằm hỗ trợ nhu cầu mua nhu yếu phẩm của người dân, hạn chế tập trung đông người tại các điểm bán hàng với phương châm “Mình vì mọi người”. Trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân vùng Đất Sen hồng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào với những suất cơm nghĩa tình...
Song song đó, nhiều cá nhân có cách làm mới và hạn chế theo lối mòn, điển hình như anh Lâm Trọng Nghĩa – cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông là người đầu tiên dám thành lập Tổ dịch vụ bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (người dân quen gọi là máy bay phun xịt thuốc). Về nguyên lý vận hành, mỗi thiết bị bay sẽ mang theo một bình đựng thuốc dung tích 10 lít và 1 cục pin. Thời gian phun xịt 1 công lúa là 7 phút, máy chỉ cần thay pin là có thể hoạt động liên tục, hiệu quả gấp 20 lần so với phun xịt thủ công, đồng thời giúp nông dân tiết kiệm được 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một lần phun. Không chỉ vậy, thiết bị bay còn giúp tiết kiệm công lao động, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho nông dân khi phun thuốc. Hiện có trên 200 khách hàng thường xuyên đặt lịch phun xịt thuốc, xuyên suốt các ngày trong tháng. Ngoài ra, anh Lâm Trọng Nghĩa còn kết hợp đào tạo lái thiết bị bay phun xịt thuốc để giúp thanh niên địa phương có việc làm ổn định và tăng thu nhập, kết hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh thực hiện các mô hình khuyến nông nhằm tạo thêm điều kiện cho người nông dân có thể tiếp cận với công nghệ mới. Bên cạnh đó, còn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay, tạo cơ sở cho việc ứng dụng thiết bị này trong nông nghiệp ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Tương tự là y sỹ Nguyễn Thị Thùy Dung - viên chức Trung tâm Y tế TP Sa Đéc từng được ví như là “chiến binh đặc biệt” của ngành y tế tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Thời điểm số F0 tăng mạnh tại TP Sa Đéc, nhiều người có tâm lý hoảng sợ, không chịu đi cách ly tập trung cũng như đến cơ sở điều trị, phản kháng lại với lực lượng làm nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp sử dụng lời nói rất khó nghe... Những lúc như thế, y sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung luôn cố gắng giải thích cho bà con hiểu và thực hiện. Chị không nhớ chính xác con số chuyến đi và về giữa 2 TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh để đưa các bệnh nhân đến nơi cách ly, điều trị. Trong quá trình vận chuyển, chị và đồng nghiệp phải xử trí rất nhiều tình huống (ca bệnh chuyển biến nặng và khó thở, chuyển dạ, bệnh tâm thần, nghiện ma túy), nhưng với tinh thần tự nguyện, không ngại khó khăn nguy hiểm, đặc biệt với cái tâm, y đức của người thầy thuốc, chị Dung đã truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu, rất đáng biểu dương và trân trọng. Với thành tích trên, y sỹ Nguyễn Thị Thùy Dung vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Sa Đéc năm 2021.
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp trên địa bàn, nhưng các cấp, ngành, đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, đặc biệt là gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua các phong trào: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”... mang lại nhiều kết quả thiết thực, nhất là góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
TIẾN ĐẠT