Chuyển đổi số tiếp tục tăng tốc
Cập nhật ngày: 04/01/2025 05:06:41
ĐTO - Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số (CĐS) theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Công cuộc CĐS tại Đồng Tháp đến nay đã gặt hái nhiều kết quả, xây dựng chính quyền số được đẩy mạnh, kinh tế số, xã hội số hình thành và phát triển, khẳng định vị thế tiên phong của Đồng Tháp trên hành trình CĐS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế số trong chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp” (do UBND tỉnh tổ chức ngày 9/10/2024),12 tập thể và 12 cá nhân Tổ công nghệ số cộng đồng và thanh niên chuyển đổi số được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2024
Đến nay, kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch CĐS tỉnh Đồng Tháp đã vượt 14/46 chỉ tiêu, đạt 20/46 chỉ tiêu, duy trì 1/46 chỉ tiêu. Tỉnh hoàn thành triển khai 7/7 mô hình thí điểm của Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ theo lộ trình.
Thời gian qua, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp (DN), người dân; đầu tư hạ tầng số, phát triển dữ liệu số phục vụ chính quyền số, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các hệ thống thông tin, thúc đẩy số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh, phục vụ nhu cầu CĐS của địa phương.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ của tỉnh đã kết nối với 18/24 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin Quốc gia. Tỉnh cũng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (cung cấp 841 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 561 dịch vụ công trực tuyến một phần); kết nối, tích hợp 1.713 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hiện, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình giúp cho người dân, DN chủ động hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính lưu trữ trên Hệ thống cũng được số hóa nhằm tái sử dụng giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Cổng dữ liệu mở của tỉnh thường xuyên được cập nhật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, đồng thời để người dân, DN khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Dự án Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở phục vụ chính quyền số.
Thời gian qua, tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông hướng đến hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, phục vụ nhu cầu CĐS của các ngành, địa phương. Hệ thống mạng diện rộng WAN, mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đến 100% cơ quan hành chính đáp ứng nhu cầu CĐS trong cơ quan nhà nước. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh triển khai theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng, đảm bảo năng lực phục vụ các ứng dụng dùng chung toàn tỉnh...
Về kinh tế số, các hoạt động thúc đẩy CĐS trong DN được tỉnh quan tâm triển khai, duy trì thường xuyên công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với hơn 438 sản phẩm của 102 DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được duy trì kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn (Tiki, Lazada, Shopee, Sendo,TikTok...); 100% sản phẩm OCOP được duy trì trên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thêm đối với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tỷ lệ DN vừa và nhỏ triển khai CĐS, tham gia các sàn thương mại điện tử đạt chỉ tiêu đề ra.
Triển khai Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”, đến nay, tỉnh phát triển được 2.451 tên miền, nâng tổng số tên miền quốc gia trên địa bàn là 4.311 tên miền. Tỉnh đã thu hút 11 DN lĩnh vực công nghệ thông tin, CĐS đặt trụ sở làm việc hoặc văn phòng đại diện trong không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; triển khai mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp” đạt kết quả tích cực...
Nhằm đẩy mạnh phát triển công dân số, năm 2024, các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên chuyển đổi số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số. Kết quả, đã hỗ trợ hơn 344.600 lượt người dân, gồm các hoạt động: tuyên truyền hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến cho 43.046 lượt; hướng dẫn cài đặt ứng dụng e-DongThap cho 113.193 lượt; cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho 59.241 lượt; có 9.718 cửa hàng, hộ kinh doanh được hướng dẫn cài đặt thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ cài đặt hướng dẫn sử dụng chữ ký số cá nhân cho 4.470 lượt; hỗ trợ hướng dẫn đăng sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho 2.095 lượt; tuyên truyền hướng dẫn cách khai thác thông tin trên intetnet, cách bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng, phản ánh kiến nghị về an ninh trật tự qua ứng dụng VneID cho 39.051 lượt; hỗ trợ 41.645 người dân chuyển đổi sim 2G lên 4G; hỗ trợ 32.175 người dân chuyển đổi sang điện thoại thông minh... Qua đó, góp phần rất lớn vào kết quả CĐS của tỉnh cũng như thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
TN