Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Người đứng đầu phải có trách nhiệm cao đối với công tác chuyển đổi số

Cập nhật ngày: 25/12/2022 14:20:51

ĐTO - Sáng ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06/CP và tổng kết hoạt động của Ủy ban CĐS quốc gia năm 2022, gồm nhiều điểm cầu: trụ sở Chính phủ; trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp do ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng sự tham dự của thành viên Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan…


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (giữa) chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP).  Đề án với 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành các cấp.

Theo Tổ Công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, qua 1 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng của năm 2022 cơ bản đạt được (với 24 mục tiêu cụ thể của năm 2022, đã hoàn thành 11 mục tiêu, đang tập trung triển khai 13 mục tiêu còn lại. Đối với 89 nhiệm vụ cụ thể của đề án, đến nay đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, đang thực hiện thường xuyên 34 nhiệm vụ). Đề án được triển khai theo hướng đi vào những nội dung cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm việc nào dứt điểm việc đó.

Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022, có tổng cộng 107 nhiệm vụ. Trong đó, giao các bộ, ngành Trung ương thực hiện 44 nhiệm vụ và giao 63 địa phương, mỗi địa phương 1 nhiệm vụ. Kết quả, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 42 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đang triển khai; 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành, 4 địa phương đang tiếp tục triển khai là: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tiền Giang và Trà Vinh.

Hội nghị đã tập trung phân tích nguyên nhân để đạt được kết quả và những hạn chế, khó khăn trong thực hiện CĐS, thực hiện Đề án 06/CP. Nhiều đại biểu thẳng thắn đánh giá và đề xuất các giải pháp để các cấp, các ngành chủ động, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong CĐS, nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, ý nghĩa của việc CĐS đối với các ngành, lĩnh vực trong thời gian qua.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2022, dù còn nhiều khó khăn nhưng nước ta đã đạt nhiều kết quả ở các lĩnh vực. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp của CĐS. Hiện nay CĐS là xu hướng tất yếu, là nhu cầu khách quan. Các hội nghị quốc tế đều đề cập đến CĐS, thể hiện tầm quan trọng của CĐS đối với quốc gia và toàn thế giới hiện nay. CĐS giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ nhà nước – thị trường - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Đảng và nhà nước rất xem trọng việc CĐS, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu…

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải chủ động, có trách nhiệm cao trong chỉ đạo, điều hành công tác CĐS thì mới đạt kết quả cao. Các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh nội dung để phê duyệt chương trình CĐS năm 2023. Theo đó, thúc đẩy CĐS, đề án 06/CP, chuyển đổi trạng thái từ làm thủ công sang công nghệ số; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng lực, dễ làm trước, khó làm sau, tránh làm lấy thành tích mà phải tạo chuyển biến thật sự, có hiệu quả thiết thực. Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức, hoàn thiện thể chế… trong thực hiện CĐS, kịp thời báo cáo các khó khăn để có hướng giải quyết rõ ràng cho từng vấn đề…; xác định năm 2023 là năm dữ liệu và phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh trung tâm dữ liệu quốc gia…

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn