Nhiều “điểm sáng” trong chuyển đổi số
Cập nhật ngày: 27/01/2024 05:53:49
ĐTO - Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đến 100% cơ quan hành chính; đã tích hợp tổng cộng 1.385 dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh... là những “điểm sáng” nổi bật từ hoạt động chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh.
Đại biểu tham quan Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Mỹ Lý)
Năm 2023, Đồng Tháp xác định chủ đề: “Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá - CĐS Đồng Tháp tiên phong”. Điều này thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc sớm hoàn thành mục tiêu đưa Đồng Tháp nằm trong nhóm đầu của khu vực và cả nước về chỉ số CĐS.
Thực hiện mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 về CĐS tỉnh Đồng Tháp; tỉnh ban hành Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp, với 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và ban hành 3 đề án ngành nông nghiệp, giáo dục, y tế để thực hiện các nhiệm vụ chính trong Đề án CĐS của tỉnh.
Qua 1 năm nỗ lực, các chỉ số về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, an toàn, an ninh mạng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được tỉnh triển khai tương đối đồng bộ, đạt được những kết quả quan trọng.
Về hạ tầng số, hiện mạng viễn thông tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, Internet, đồng thời đảm bảo duy trì tiêu chí số 8 về xây dựng nông thôn mới của tỉnh; 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G (hơn 4.350 trạm), không lõm sóng và có đường truyền Internet cáp quang FTTx.
Đối với dữ liệu số, UBND tỉnh đã ban hành danh mục Cơ sở dữ liệu dùng chung và danh mục dữ liệu mở theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Tháp.
Việc xây dựng chính quyền số được đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp được 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện theo Quyết định công bố trên tổng số 1.784 thủ tục hành chính. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ dưới hình thức trực tuyến là 59,23%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đến nay đã tích hợp tổng cộng 1.385 dịch vụ cơng trực tuyến.
Các hoạt động thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp được quan tâm triển khai. Trong đó, tập trung công tác tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trải nghiệm các nền tảng công nghệ số, xây dựng trang tin điện tử (website) quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời duy trì thường xuyên hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Trong nông nghiệp, đã phối hợp và đưa vào vận hành Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp tại địa chỉ https://vdapes.com, hướng đến phát triển cơ sở dự liệu lớn của ngành và kết nối, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp, với 6 phân hệ chính, gồm: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; thủy sản; phát triển nông thôn; thủy lợi; lâm nghiệp.
Tại các địa phương, bên cạnh các Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập thí điểm theo Quyết định của UBND tỉnh, đến nay, có 320 khóm, ấp đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng (chiếm 45,8%). Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cũng đã xung kích thành lập Tổ Thanh niên CĐS cộng đồng ở cả 12/12 huyện, thành phố; 143/143 xã, phường, thị trấn với số lượng hơn 950 đoàn viên, hình thành nên một lực lượng mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống...
Năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục thúc đẩy việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để tái sử dụng; hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở để tích hợp dữ liệu của các địa phương, đơn vị và phân loại, chia sẻ lại cho các tổ chức, cá nhân cùng khai thác, qua đó tạo nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tỉnh phấn đấu năm 2024 xếp vị trí thứ 29 trở lên về chỉ số CĐS (DTI) cấp tỉnh.
MN