Thương hiệu Việt vi phạm pháp luật vì... YouTube

Cập nhật ngày: 23/06/2019 06:19:39

Mặc dù hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam đã được cảnh báo và tìm cách gỡ bỏ quảng cáo trong các clip có nội dung xấu độc trên YouTube nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.


Hàng loạt doanh nghiệp Việt vẫn đang bị YouTube lồng quảng cáo vào các clip vi phạm pháp luật Việt Nam và làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp này

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết trong số 21 thương hiệu, nhãn hàng mà cục đã gửi văn bản yêu cầu dừng ngay việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trong các video, clip xấu độc, phản động trên YouTube, đến nay đã quá hạn giải trình (ngày 17-6), nhưng cục mới nhận được giải trình của 16 công ty.

Nhưng cơ quan quản lý lại vừa công bố tiếp danh sách gần 40 doanh nghiệp có quảng cáo vi phạm.

YouTube khiến doanh nghiệp vi phạm pháp luật?

Cũng tương tự như các thương hiệu đã bị "điểm danh" trong đợt trước, những doanh nghiệp này đều ở tình trạng chung là bị YouTube tự động lồng quảng cáo vào những clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam, chống phá Nhà nước.

Theo ông Lê Quang Tự Do - phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, những năm gần đây, mô hình quảng cáo Adnetwork (mạng lưới quảng cáo trực tuyến) phát triển mạnh mẽ được nhiều doanh nghiệp, các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sử dụng. 

Nhà cung cấp dịch vụ Adnetwork lớn nhất tại Việt Nam là Google Display Network (Google Adsense). Tuy nhiên, Google Adsense có hạn chế lớn là không kiểm soát được nội dung và vị trí hiển thị quảng cáo, dẫn đến tình trạng Adnetwork của Google quảng cáo tràn lan các mặt hàng cấm, nội dung quảng cáo sai sự thật, hiển thị nội dung quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu có uy tín trên những trang web, hoặc gắn vào những bài viết, video clip vi phạm pháp luật, thậm chí là phản động.

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Trong thời gian qua, mới có khoảng 8.000 clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam được gỡ bỏ. Qua rà soát, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube đang trực tiếp quản lý. 

Doanh nghiệp cần tự bảo vệ

Theo cơ quan quản lý nhà nước, để tình trạng sai phạm tràn lan, kéo dài đối với các quảng cáo thương hiệu Việt xuất hiện trong các clip có nội dung xấu độc là do cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo của YouTube, Google.

Các nền tảng này không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense. Đồng thời cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước.

Hành vi này vi phạm quy định tại Nghị định số 181, trong đó quy định rõ "tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam".

Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo từ các doanh nghiệp này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình trung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. "Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo. Việc liên tục tái diễn vi phạm này là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp", ông Lê Quang Tự Do đánh giá.

Theo đó, ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo các doanh nghiệp hoặc các cá nhân kinh doanh trên mạng Internet ở trong nước không nên lựa chọn hình thức mua quảng cáo trực tiếp, không thông qua đại lý quảng cáo để giảm chi phí trung gian khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cần bảo vệ uy tín của thương hiệu, sản phẩm bằng cách kiên quyết yêu cầu đại lý quảng cáo không được đăng phát quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu của doanh nghiệp mình trên các clip xấu độc vi phạm pháp luật trên YouTube.

“Đối với kênh đã bị Bộ Thông tin và truyền thông thông báo vi phạm, chúng tôi đề nghị YouTube không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ cũng đã yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest đối với các kênh mà cơ quan quản lý Việt Nam đã thông báo vi phạm và bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây", đại diện Bộ Thông tin và truyền thông chia sẻ.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ Thông tin và truyền thông đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.

THANH HÀ (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn