Tiếp tục tăng cường quản lý internet và thông tin trên mạng
Cập nhật ngày: 01/12/2020 05:30:01
ĐTO - Cử tri có ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các bộ, ngành có liên quan tăng cường bảo vệ an ninh mạng và đẩy mạnh công tác truyền thông trước tình trạng vẫn còn một số đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước, gây hoang mang dư luận.
Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau: Thời gian vừa qua, Bộ đã thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông. Cụ thể, sử dụng hệ thống kỹ thuật, công nghệ để theo dõi, phát hiện và phân loại thông tin xấu, độc và kịp thời xử lý; đưa ra thông báo, thông tin chính thống, truyền thông chủ động ngược lại kịp thời để tránh lan rộng thông tin xấu, độc; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dùng internet các phương pháp phát hiện dấu hiệu thông tin xấu, độc và trách nhiệm cá nhân khi chia sẻ những thông tin này lên mạng xã hội... Ngoài ra, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan triển khai, kết hợp nhiều giải pháp nhằm đấu tranh quyết liệt với các nền tảng xuyên biên giới.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ TT&TT đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013 và Nghị định số 27/2018 nhằm tăng cường quản lý internet và thông tin trên mạng để trình Chính phủ xem xét, ban hành; tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; yêu cầu Facebook, Google xử lý mạnh hơn các tài khoản đăng tải, chia sẻ các tin giả; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để theo dõi, phát hiện, phân loại tin giả và kịp thời xử lý; nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
Đồng thời xây dựng quy định, chế tài xử phạt cụ thể với các vụ liên quan đến việc tung tin giả về các tổ chức (báo chí, trang tin điện tử...) và cá nhân (đăng lên mạng xã hội, blog...). Các quy định được công khai và công bố các trường hợp xử lý một cách rộng rãi, bảo đảm tính răn đe. Song song đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; nghiên cứu, định hướng các doanh nghiệp viễn thông, internet trong triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng, phát tán mã độc, thông tin xấu độc, lừa đảo hay lợi dụng mạnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để từng người sử dụng trong nước có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng; xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp thay vì quan tâm đến các thông tin giả mạo...
Nhật Anh