Mã độc tấn công Vietnam Airlines tồn tại ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 09/08/2016 06:14:38

Kết quả phân tích mới nhất cho thấy mã độc được dùng để tấn công hệ thống thông tin của Vietnam Airlines cũng xuất hiện tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác.


Sơ đồ tấn công của mã độc theo phân tích của Bkav

Theo phân tích từ Bkav, mã độc được sử dụng để tấn công hệ thống Vietnam Airlines hôm 29/7 sau khi xâm nhập vào máy tính sẽ ẩn mình dưới vỏ bọc là phần mềm diệt virus. Nhờ đó, nó có thể nằm yên trong thời gian dài mà không bị phát hiện.

Mã độc này kết nối thường xuyên, gửi các dữ liệu về máy chủ điều khiển thông qua tên miền Name.dcsvn.org, trong đó Name là tên được sinh ra theo đặc trưng của cơ quan, doanh nghiệp mà mã độc nhắm tới.

Mã độc có chức năng thu thập tài khoản mật khẩu, nhận lệnh cho phép hacker kiểm soát, điều khiển máy tính nạn nhân từ xa, thực hiện các hành vi phá hoại như xóa dấu vết, thay đổi âm thanh, hiển thị hình ảnh, mã hóa dữ liệu… Ngoài ra, nó còn có thành phần chuyên để thao tác, xử lý với cơ sở dữ liệu SQL.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav, cho biết: "Bkav đã theo dõi mạng lưới phần mềm gián điệp tấn công có chủ đích (APT) vào hệ thống mạng Việt Nam từ giữa năm 2012. Kết quả phân tích cho thấy mã độc tấn công Vietnam Airlines cũng xuất hiện tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác bao gồm cả các cơ quan chính phủ, tập đoàn, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học. Vấn đề này đã được Bkav nhiều lần cảnh báo rộng rãi".

Trước đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng đã phát hiện một số dấu hiệu tấn công các website Việt Nam. Đơn vị này đề nghị các cấp liên quan chặn kết nối đến địa chỉ: playball.ddns.info, nvedia.ddns.info và air.dcsvn.org. Theo đánh giá của VNCERT, các mã độc trên thuộc diện đặc biệt nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và phá hủy hệ thống. Đáng chú ý, mã độc này chưa hoạt động mà ở chế độ "ngủ đông", chờ lệnh tấn công.

Chiều 29/7, website của Vietnam Airlines bị thay đổi giao diện bằng hình ảnh nhóm hacker 1937cn, đồng thời dữ liệu của hơn 400.000 khách hàng Bông Sen Vàng bị rò rỉ lên mạng. Hệ thống âm thanh tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng bị can thiệp, đưa ra thông tin xuyên tạc liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Cho đến nay, Vietnam Airlines thông báo hệ thống công nghệ thông tin chính của họ đã hoàn tất quá trình kiểm tra và trở lại hoạt động. Hãng bay đã phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khôi phục các máy tính tại quầy làm thủ tục ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Đối với khách hàng chương trình Bông Sen Vàng, Vietnam Airlines thông báo sẽ tạm ngừng các chức năng trực tuyến, tuy nhiên vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi của hội viên.

Châu An/VNE

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn