Các địa phương đánh thức tiềm năng du lịch
Cập nhật ngày: 23/10/2015 12:34:20
Trong giai đoạn 2015 - 2020, các địa phương trong tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế gắn với thực hiện Đề án phát triển du lịch của tỉnh, trên cơ sở phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng nơi.
Làng hoa Sa Đéc - điểm dừng chân lý tưởng của du khách
Trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ tới, TP.Sa Đéc có kế hoạch phát triển dịch vụ và du lịch hoa kiểng, đầu tư xây dựng nhiều đường hoa, vườn hoa, làng hoa và chợ hoa phục vụ tham quan du lịch. Địa phương xem đây là mũi đột phá trong phát triển kinh tế, là bước khởi đầu cho việc xây dựng thành phố hoa Sa Đéc. Theo đó, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, khai thác có hiệu quả các điểm tham quan, nhất là các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, kiến trúc..., hình thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm hoa kiểng, quà lưu niệm đi kèm; chú trọng kêu gọi đầu tư xã hội hóa các dịch vụ du lịch, nhất là dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch sinh thái, lưu trú nơi nhà vườn. Xây dựng chợ hoa ở phường 2; có kế hoạch khai thác bờ kè sông Tiền để phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí; xây dựng cồn Đông Giang thành Trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; tổ chức gắn kết các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút đông đảo lượng khách đến địa bàn.
Để thực hiện Đề án phát triển du lịch của tỉnh, huyện Cao Lãnh tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai đề án du lịch tại xã Bình Thạnh. Đồng thời, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái Gáo Giồng, làng bè Bình Thạnh kết nối các điểm dừng chân, du lịch miệt vườn và khai thác các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; khai thác hợp lý các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học gắn với việc phát triển rừng tràm và tre Gáo Giồng. Kết nối phát triển du lịch nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng phục vụ, dịch vụ du lịch, xây dựng đội ngũ quản lý du lịch theo hướng năng động chuyên nghiệp, xây dựng hình ảnh du lịch Cao Lãnh, tăng sức hấp dẫn thu hút du khách. Huyện Cao Lãnh cũng xác định một số điểm du lịch như: làng bè Bình Thạnh, đình Mỹ Long, điểm dừng chân trại cá sấu Mỹ Hiệp, khu du lịch Xẻo Quít, chùa Bửu Lâm, du lịch sinh thái Gáo Giồng.
Thời gian qua, hoạt động du lịch của huyện Tháp Mười có những tín hiệu tích cực, nhất là thông qua lễ hội Gò Tháp và mô hình du lịch Đồng sen Tháp Mười đã nâng cao hình ảnh của địa phương, góp phần làm giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng lên đáng kể. Hướng tới, huyện tập trung cải thiện cảnh quan môi trường du lịch, nâng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo tiền đề phát triển du lịch đặc thù của huyện Tháp Mười gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, địa phương tích cực phối hợp với tỉnh củng cố, nâng chất lượng tổ chức các kỳ lễ hội và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào Khu di tích lịch sử văn hóa Gò Tháp. Khai thác hợp lý lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch, gắn việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và từng bước đưa du lịch trở thành một trong những lợi thế quan trọng của huyện.
Trong quyết định ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 nêu rõ: Định hình cơ bản mô hình phát triển của du lịch Đồng Tháp với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các tuyến điểm du lịch trọng điểm với từng định vị rõ ràng. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và có nét riêng phù hợp với điều kiện của tỉnh, không trùng lặp với các địa phương khác. Đến năm 2020, tăng gấp đôi tổng số lượt khách du lịch đến Đồng Tháp (3,5 triệu lượt khách) và vươn lên tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tổng lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch. Từ đó, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của kinh tế địa phương, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, xây dựng Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.
DƯƠNG ÚT (Tổng hợp)