Du lịch xanh nông dân - hướng đi mới cho du lịch Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 05/05/2022 14:26:29
ĐTO - Mọi người từng nghe nhiều “du lịch xanh” hay “du lịch sinh thái”, mà mục đích và nội dung của nó là hướng đến bảo vệ bền vững môi trường sinh thái của trái đất nói chung. Còn khái niệm “du lịch xanh nông dân” (còn gọi là “du lịch xanh kiểu nông dân”) thì mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam. “Du lịch xanh nông dân” là một khuynh hướng du lịch tuy không mới đối với thế giới, nhưng chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp. “Xanh” là du khách được về với môi trường ruộng vườn, cây trái, kinh rạch... “Nông dân” nghĩa là du khách được “làm thử” vai trò, công việc của người nông dân. Nói một cách mộc mạc, “du lịch xanh nông dân” là phương thức du lịch, trong đó, du khách “nhập vai” nhà nông, tự mình thực hiện các thao tác lao động sản xuất, chế biến... như một nông dân đích thực (đương nhiên, có sự hướng dẫn cụ thể của người chủ). Đây là một trải nghiệm tuy vất vả, khó nhọc nhưng sẽ vô cùng lý thú, ấn tượng và khó quên đối với du khách.
Du khách tham quan Vườn dâu Tân Thuận (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh). Ảnh minh họa
Nói chưa phát triển mạnh ở Đồng Tháp, có nghĩa là “du lịch xanh nông dân” cũng đã manh nha đây đó, nhưng chỉ lẻ tẻ ở một số địa chỉ, chưa trở thành phổ biến và chưa thực sự là công việc của nhà nông. Nhìn chung, ở Đồng Tháp vẫn chủ yếu phổ biến hình thức “du lịch xanh thân thiện với môi trường”, cụ thể là “du lịch nông nghiệp”, trong đó, du khách, dù đã được tiếp cận một cách gần nhất với môi trường, cảnh sắc, sản vật; thâm nhập, trải nghiệm giữa ruộng vườn, cây trái... nhưng vẫn chỉ là “ngắm”, chưa được “làm”. Khách đi xuồng trên “dòng sông hoa” ở Làng hoa Sa Đéc (tại “Cánh đồng hoa hồng” ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc của ông Nguyễn Phước Siêng) cũng chỉ để ngắm hoa, thư giãn, nghỉ ngơi. Du khách đến vườn dâu Tân Thuận ở ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh của ông Nguyễn Văn Triển cũng chỉ để thưởng ngoạn, chụp ảnh. Các điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn ở huyện Lai Vung, đồng sen ở huyện Tháp Mười hay nhiều điểm du lịch khác cũng tương tự... Nói lẻ tẻ là bởi cũng có một số ít địa chỉ du lịch trong tỉnh đã chú ý đến thao tác “làm” của du khách như Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng đã tổ chức dạy nấu ăn cho du khách vào dịp cuối tuần hay Khu Du lịch làng bè Bình Thạnh ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh tổ chức cho du khách câu cá, cho cá ăn... Tuy nhiên, để “làm” như một nông dân thực thụ qua hoạt động sản xuất, chế biến, ít nhiều góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp thì hoàn toàn chưa.
Nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước có nền nông nghiệp phát triển như Hà Lan, Nga, Ukraina, Australia..., “du lịch xanh nông dân” đã trở thành một hình thức du lịch phổ biến, du khách thành nhà nông là chuyện bình thường. Ở một số địa chỉ du lịch tại các tỉnh, thành trong nước, “du lịch xanh nông dân” cũng đã bắt đầu có những khởi động đáng ghi nhận như ở Song Hành Garden (Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cuộc Sống Xanh (Đồng Nai)...
Có thể khẳng định, “du lịch xanh nông dân” là một xu hướng du lịch rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là giới trẻ, với khát vọng trải nghiệm, khám phá, trao truyền... cuộc sống và phẩm chất tốt đẹp của nghề nông, nhà nông. Cũng có thể là do chút tò mò, thích cái lạ, cái mới hay cũng do ý tưởng “nổi loạn”, cần “làm dơ” một chút thân thể vốn “ăn sung mặc sướng”, “trong ấm ngoài êm” bấy lâu nay của một bộ phận du khách thuộc giới “phi lao động chân tay”... Đặc biệt, du khách nước ngoài là đối tượng rất phù hợp, tương thích với loại du lịch này. Dù sao, thì nhu cầu được một lần, dù ít, “hóa thân” thành nông dân của du khách là hoàn toàn có thực, chính đáng. Nhu cầu đó rất cần được đáp ứng, trong bối cảnh và thực trạng du lịch nói chung, du lịch xanh nói riêng hiện nay.
Đồng Tháp là một trong những địa phương, hiện thời (và lâu dài) cơ bản là thuần nông, vì thế, “du lịch xanh nông dân” phải là một hướng phát triển du lịch chủ yếu trong thời gian tới, góp phần xây dựng, định hình, phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Trên tinh thần đó, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã từng chỉ rõ: Người dân trong tỉnh, nhất là giới trẻ phải tích cực, chủ động khởi nghiệp du lịch, đặc biệt chú ý đến sự trải nghiệm đa dạng của du khách, trong đó có trải nghiệp “làm” nông dân.
Muốn vậy, ngay từ bây giờ, các cơ sở du lịch, các tour du lịch... cần “khởi nghiệp”, khởi động, chủ động mở rộng hình thức, cụ thể là từng bước chuyển từ trạng thái “ngắm” sang trạng thái “làm” đối với du khách, như là một hình thức tồn tại song hành, trong điều kiện có thể. Muốn “làm” nông dân thì đương nhiên, du khách phải về với ruộng, vườn (kể cả ruộng, vườn trong phố). Ví dụ, để du khách có thể trở thành người cày ruộng bằng trâu hay người cắt lúa bằng tay, như là một hình thức phục chế nghề nông trước đây, đương nhiên phải có điểm du lịch đảm bảo có ruộng để cày, có lúa để cắt (theo mùa, theo thời gian). Nếu du khách muốn cày ruộng và cắt lúa bằng máy như đa phần “tam nông” hiện nay thì cũng có thể tổ chức cho họ tham gia, trong sự hướng dẫn của nhà nông bản địa. Ở Làng hoa Sa Đéc, sẽ có điểm cho du khách có thể trở thành người trồng hoa, chăm sóc hoa, thu hoạch hoa... Ở vườn quýt hồng, cam xoàn Lai Vung, sẽ có điểm cho du khách có thể trở thành người tưới nước cho cây, cắt tỉa cây, thu hoạch trái... Ở đồng sen Tháp Mười, sẽ có điểm cho du khách có thể trở thành người thu hoạch hoa sen, ngó sen, chế biến sen... Một tour du lịch, trong đó có hoạt động dỡ chà bắt cá hay tát đìa bắt cá chẳng hạn, ở đó, du khách chính là lực lượng tham gia chủ yếu dưới sự hướng dẫn của người chủ, chắc chắn sẽ là một tour hấp dẫn không chỉ với du khách “phi nông dân” mà còn cuốn hút ngay cả những nông dân thứ thiệt ở những vùng, miền khác. Những tour “du lịch xanh nông dân” gắn với các Hội quán nông dân ở Đồng Tháp, chắc chắn sẽ là những tour du lịch hợp thời, vừa thực dụng vừa thi vị, không thể không “ăn khách”.
Những dòng trên đây đương nhiên chỉ là lý thuyết. Nhà triết học Gớt nói: “Lý thuyết là màu xám. Cây đời thì mãi tươi xanh” (“Faust”). Nhà văn Lỗ Tấn thì viết: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” (“Cố hương”). Ai là người mở những con đường và trồng những hàng cây xanh tươi bằng “du lịch xanh nông dân” ở Đồng Tháp? Tôi tin, câu hỏi sẽ được giải đáp trong thời gian gần... Những ai khởi nghiệp bằng “du lịch xanh nông dân” ở Đồng Tháp, chắc chắn sẽ thành công, góp phần tạo ra một khuynh hướng và phương thức du lịch mới, gắn với “tam nông”, góp phần giúp “tam nông” tỉnh nhà tiếp tục phát triển đúng hướng và mạnh mẽ.
TAO ĐÀN