Gỡ khó để du lịch tỉnh nhà phát triển
Cập nhật ngày: 11/07/2017 07:06:36
ĐTO - 6 tháng đầu năm 2017, mỗi điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn lượt khách. Phấn khởi với kết quả đạt được, song hoạt động du lịch của tỉnh hiện nay còn không ít hạn chế, bất cập.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng
Theo Khu di tích (KDT) Xẻo Quít, 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách tham quan tại đây là 105 ngàn lượt, tăng 90% so cùng kỳ. Lượt khách đến tham quan tăng là điều đáng mừng, song Ban Giám đốc KDT Xẻo Quít cho biết công tác phục vụ du khách vẫn còn những hạn chế như: đội ngũ nhân viên có tập huấn nhưng do trình độ văn hóa không cao nên ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp với khách du lịch. Bên cạnh đó, sau khi tham quan xong KDT thì khách tham gia các quầy ẩm thực hoặc ra về sớm chứ chưa có điểm vui chơi, sinh hoạt phục vụ khách.
Tương tự, mỗi ngày Khu Du lịch (KDL) sinh thái Gáo Giồng đón tiếp hàng trăm lượt du khách. Riêng 6 tháng đầu năm nay, KDL sinh thái Gáo Giồng phục vụ khoảng 50 ngàn lượt khách. Tuy nhiên, hiện KDL đang gặp khó khăn về công tác nhân sự. Do cơ chế lương thưởng còn “gò bó” nên không giữ được nhân viên lâu dài, đặc biệt là đối với nhân viên có kinh nghiệm, không có chế độ khuyến khích nhân viên phấn đấu.
Ngoài ra, công tác đầu tư hạ tầng du lịch, sản xuất mặt hàng quà tặng,... vẫn còn thực hiện chưa đồng bộ. Sau hơn 2 năm thi công, nhưng đến nay một số hạng mục tại KDL Tràm Chim vẫn chưa hoàn thành, trong đó có cầu vượt ngang qua tỉnh lộ; hiện nay tại 1 điểm dừng chân của KDL Tràm Chim vẫn chưa có nước sạch, điện phục vụ du khách.
Còn tại KDL sinh thái Gáo Giồng thiết kế nhà vệ sinh không đạt chuẩn, chật hẹp. Do đơn vị sản xuất thủ công mỹ nghệ của Đồng Tháp chưa nhiều nên tại các gian hàng lưu niệm ở nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mặt hàng sản phẩm xuất xứ từ các tỉnh khác.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trên là do tiến độ xây dựng cơ bản các công trình thuộc vốn ngân sách còn chậm. Một số công trình chưa đưa vào được do thiếu vốn. Việc xây dựng sản phẩm du lịch của các khu điểm còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong phát triển sản phẩm đặc thù, hấp dẫn. Thu nhập người lao động còn thấp, chưa khuyến khích lao động toàn tâm toàn ý, nâng cao nghề nghiệp ổn định phục vụ lâu dài.
Sở VH,TT&DL tiếp tục phối hợp Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh cùng các đơn vị liên quan, địa phương đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đổi mới công tác quản lý khu, điểm. Bàn giao dịch vụ du lịch Xẻo Quít, Gò Tháp về Trung tâm Phát triển du lịch quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm, kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó định hướng cho các huyện, thị, thành phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động dôi dư ra trong quá trình tái cơ cấu, hiện đại hóa nông nghiệp, đồng thời tiêu thụ (tại chỗ) nhiều nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng quà tặng thông qua mua sắm của du khách.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động du lịch, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã có buổi làm việc với Sở VH,TT&DL, Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh cùng các khu, điểm du lịch.
Chủ tịch Nguyễn Văn Dương cho rằng những người làm du lịch phải đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận công việc. Ngành VH,TT&DL phải tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú. Các khu, điểm du lịch phải đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, đẩy mạnh công nghệ thông tin, thường xuyên tập huấn nhân viên phục vụ du lịch.
H.Nghĩa