Góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 24/12/2019 05:17:56

ĐTO - Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh đã triển khai, thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng; phát triển du lịch TP.Sa Đéc, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp... Đồng thời củng cố, phát triển, đa dạng các loại hình phục vụ du khách theo hướng từng bước chuyên nghiệp, góp phần đưa du lịch Đồng Tháp tạo được những ấn tượng tích cực trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, TP.Cao Lãnh

UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai, thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh. Trong đó tập trung đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn thu hút du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch, loại hình, sản phẩm du lịch cấp tỉnh, địa phương. Đối với các khu, điểm du lịch trọng điểm, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh, sở, ngành,

UBND các huyện rất quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh luôn có các chính sách, sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch. Trong các nguồn kinh phí được đầu tư cho các dự án du lịch có từ nguồn xổ số kiến thiết. Các dự án được triển khai, thực hiện như Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch; các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch như Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc... đã được đầu tư, hoàn thiện, trong thời gian tới tiếp tục đầu tư mở rộng mặt đường, nâng tải trọng cầu để phương tiện có thể lưu thông. Hạ tầng du lịch được đầu tư, góp phần tạo động lực phát triển các tour, tuyến du lịch mang đậm chất đặc trưng địa phương như vườn quýt hồng Lai Vung, tham quan hoa nhĩ cán tím, hoa hoàng đầu ấn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim... thu hút không chỉ du khách trong, ngoài, địa phương mà còn có du khách nước ngoài.

Tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh) nhiều du khách thích thú khi nơi đây tái hiện giá trị truyền thống làng Hòa An xưa với các nghề thủ công truyền thống, đậm chất nông thôn từ ngôi nhà mái lá, đến hàng cau, dây trầu, cây cầu tre... Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc còn khai thác loại hình du lịch homestay thu hút du khách nước ngoài khi tham quan, trải nghiệm cảm giác lưu trú trong những căn nhà gỗ đặc trưng. Vào các dịp lễ, hội, nơi đây được chọn để tổ chức các cuộc thi ẩm thực, trưng bày các sản phẩm du lịch độc đáo, quầy hàng đặc sản của địa phương, văn nghệ, thể thao... Ngoài hệ thống phòng lưu trú, hệ thống nhà vệ sinh cũng được đầu tư đạt các tiêu chuẩn theo quy định phục vụ du khách.


Du khách dự lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười

Tại Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp – Đồng Sen, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt du khách khắp nơi vào dịp lễ hội Bà Chúa Xứ, lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều... Các dự án du lịch được Nhà nước đầu tư, tạo động lực tích cực để người dân quyết định chọn du lịch là một loại hình làm kinh tế mang lại lợi nhuận tốt. Cụ thể như mô hình tham quan vườn cam soàn, quýt hồng, mận tại huyện Lai Vung hoặc khai thác loại hình du lịch trải nghiệm với các dịch vụ như ngắm đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen tại huyện Tháp Mười. TP.Sa Đéc vẫn giữ thế mạnh trong kinh doanh, khai thác du lịch với địa điểm làng hoa Sa Đéc, đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao... Huyện Châu Thành khai thác các điểm tham quan vườn trái cây kết hợp với dịch vụ ăn uống. Huyện Lấp Vò khai thác các điểm du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống, trang trại nông sản, khu du lịch văn hóa...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch trọng điểm theo Đề án đã hoàn thành 90% và đưa vào khai thác phục vụ du khách. Các dự án được đầu tư, hoàn thiện, khai thác tạo điểm nhấn tích cực trong lòng du khách, thu hút một lượng lớn du khách từ các nơi đến với Đồng Tháp. Để phát triển du lịch theo chiều sâu, với các sản phẩm du lịch phong phú, chuyên nghiệp, năm 2020, các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, tập trung đầu tư các hạng mục công trình, nâng cấp nhà vệ sinh tại các khu di tích, điểm tham quan. Định hướng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, khai thác tốt các nguồn lực đầu tư, xã hội hóa mang lại hiệu quả. Chủ động liên kết phát triển du lịch trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ký kết hợp tác du lịch với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang. Tổ chức thành công các hội thi về ẩm thực, văn hóa mang tính khu vực, kết hợp quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Tháp...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn