Khai trương Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực - Đặc sản - Du lịch Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tại Phú Quốc

Cập nhật ngày: 23/04/2021 06:14:35

Chiều 21/4, tại Bãi Dài (xã Gành Dầu, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khai trương Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực - Đặc sản - Du lịch Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp Grand World.


Đại biểu cắt băng khai trương Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực - Du lịch - Đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa; đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL...

Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp xác định Chương trình OCOP là đột phá không chỉ ngành nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao thu nhập của người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong xúc tiến thương mại và tổ chức phân phối hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng xu thế hiện nay theo triết lý “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Đồng Tháp đánh giá rất cao sự ủng hộ, nhiệt thành của các tỉnh ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng Đồng Tháp tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương mình tại Trung tâm này.

Thông qua không gian trưng bày các sản vật đặc trưng của vùng Đất Sen hồng và miền Tây Nam bộ, Đồng Tháp kỳ vọng đây chính là nơi không chỉ giới thiệu, quảng bá những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước; là địa chỉ tin cậy, điểm dừng chân cho du khách khi đến với Phú Quốc; mà còn mở ra cơ hội hợp tác lâu dài để cùng đưa các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh đi xa hơn nữa - ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực - Du lịch - Đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL (The Mekong Connect) đặt trụ sở tại “Thành phố không ngủ” - Grand World Phú Quốc. Đây là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với đảo ngọc Phú Quốc. Việc The Mekong Connect được đặt tại Grand World Phú Quốc sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường mạnh mẽ cho sản phẩm đặc sản của các địa phương.

The Mekong Connect tại Phú Quốc là tổ hợp dịch vụ hoàn hảo dành cho khách du lịch khi đến với Grand World Phú Quốc, đáp ứng nhu cầu mua sắm đặc sản đạt chứng nhận OCOP quốc gia không chỉ của Phú Quốc mà cả vùng ĐBSCL.

The Mekong Connect quy tụ hơn 500 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, đặc sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn và có tiềm năng xuất khẩu đến từ Đồng Tháp và 10 tỉnh khu vực ĐBSCL. Gồm các sản phẩm như trái cây tươi và sấy khô, bánh, kẹo, mứt, các loại mắm đặc trưng miền Tây, đồ khô, thủy, hải sản đông lạnh. Đặc biệt có gần 50 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sen Đồng Tháp và dừa Bến Tre sẽ là món quà tặng tuyệt vời để du khách mua về làm quà cho người thân khi đến du lịch Phú Quốc.

Bên cạnh tận hưởng không gian văn hóa Nam bộ với các sự kiện cấp vùng đặc sắc, đến đây, du khách còn thưởng thức ẩm thực đặc sắc Tây Nam bộ với thực đơn phong phú được chế biến từ nguồn nguyên liệu địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách du lịch đến Phú Quốc.


Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực - Du lịch - Đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tại Phú Quốc

Trình bày về mô hình hoạt động, ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Plus - đơn vị vận hành Trung tâm cho biết, The Mekong Connect hoạt động với sứ mệnh kết nối các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lại với nhau để tạo sức mạnh khơi thông đầu ra và tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của khu vực. Bộ máy tổ chức hoạt động của Trung tâm có 5 bộ phận: Nghiên cứu và phát triển thị trường; thu mua và giám sát chất lượng; kinh doanh và xúc tiến thương mại; truyền thông, sự kiện; nghiên cứu đầu tư. Với 5 bộ phận chuyên trách này, chúng ta có đầy đủ năng lực để hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP của khu vực ĐBSCL chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Đánh giá cao sự kiện này, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, đây là hoạt động điển hình hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại và du lịch. Trực tiếp đưa sản phẩm, văn hóa phương Nam đến tận tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế, là hình thức hỗ trợ hiệu quả nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Môn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chúc mừng sau 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn I (2018 - 2020) đã có những kết quả tích cực. Đến nay, có hơn 4.700 sản phẩm, vượt so với mục tiêu đề ra. Riêng tỉnh Đồng Tháp có 161 sản phẩm OCOP, xếp thứ 4 toàn quốc.

Tham gia OCOP, đặc sản của các địa phương được chuẩn hóa, nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm OCOP vẫn là thách thức lớn đối với các địa phương.

Để khơi thông đầu ra cho các sản phẩm OCOP, những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Thế nhưng, các hoạt động xúc tiến này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Từ thực tế khó khăn nêu trên, tháng 6/2020, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong mở Trung tâm giới thiệu và trực tiếp tổ chức thương mại sản phẩm OCOP tại TP.Hà Nội. Sau gần 1 năm hoạt động, Trung tâm đạt được nhiều thành công, đáp ứng nhu cầu tổ chức sản xuất và logistics tập trung cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp.

Từ thành công này, tỉnh Đồng Tháp đã có ý tưởng xây dựng liên kết cấp vùng để cùng tiến công đưa sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố đến thị trường tiềm năng như các khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn trong nước và quốc tế. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như sự đồng thuận hưởng ứng của các địa phương trong khu vực ĐBSCL.

Văn Khương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn