Lấp Vò - Những điểm đến
Cập nhật ngày: 22/01/2018 10:03:30
ĐTO - Từ khi có Khu Du lịch văn hóa Phương Nam (KDLVHPN) (xã Long Hưng A), tiềm năng du lịch của huyện Lấp Vò dần được “đánh thức”, ngày càng có nhiều du khách biết những điểm đến của địa phương. Đây là cơ sở để huyện tập trung đầu tư bài bản cho du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm những điều thú vị của vùng đất có sông Tiền và sông Hậu đi qua.
Khu Du lịch văn hóa Phương Nam
KDLVHPN: điểm nhấn
Vinh dự được UBND tỉnh chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng Tháp năm 2018, diễn ra từ ngày 24-31/1, KDLVHPN tập trung đầu tư, thi công nhiều hạng mục nhằm góp phần để sự kiện du lịch quan trọng của tỉnh thành công tốt đẹp. Quần thể kiến trúc KDLVHPN rộng 17ha, là các khối nhà cổ - gỗ mới theo phong cách kiến trúc nhà rường Việt Nam, mang đậm dấu ấn triều Nguyễn, có cải tiến theo cung cách xây dựng nhà của Nam bộ với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng do doanh nhân Đặng Phước Thành đầu tư. Khu có 5 hạng mục chính: Nam phương Linh từ, Đặng tộc Nam phương Linh từ, nhà bảo tàng họ Đặng, nhà bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao quanh.
Nam phương Linh từ, nhằm tôn vinh, tưởng nhớ 125 nhân vật lịch sử có công khai hoang, mở cõi, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam. Công trình có diện tích 509m2, với 60 cột, bao gồm 7 gian, 2 chái, 3 lòng, có mái hạ và hàng hiên bao quanh; đạt 2 kỷ lục Việt Nam: Đền thờ đầu tiên thờ các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam và kỷ lục Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công thời khai mở đất phương Nam.
Đặng tộc Nam phương Linh từ, diện tích 644m2, với 80 cột, bao gồm 7 gian, 2 chái, 5 lòng, có mái hạ và hàng hiên bao quanh, nơi phụng thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền tộc Đặng như: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung và cụ tổ Đặng tộc Long Hưng là Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm...
Bảo tàng Đặng tộc, nơi gìn giữ, trưng bày di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của họ Đặng Việt Nam. Quần thể công trình được bao bọc bởi hai cổng lớn uy nghi nối kết với dãy trường lang dài hơn 675m, với 240 cột.
Du khách tham quan Khu Du lịch văn hóa Phương Nam
Bảo tàng Đất Phương Nam là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc, tiêu biểu có liên quan đến các nhân vật lịch sử đã dày công khai mở và làm rạng danh vùng đất phương Nam, cùng với phong tục, tập quán, lối sống và các công cụ sản xuất của nền văn minh lúa nước từ khi mở cõi đến nay...
Ngoài ra, khu còn có các hạng mục công trình thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh như: đàn tế xuân (tế trời), cầu cho quốc thái dân an, muôn việc yên bình; đàn tế thu (tế đất), cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt; đàn các quan (hay còn gọi là cô đàn), nơi cúng tế các vong vị chưa được đầu thai, các oan hồn không nơi nương tựa, hoặc những vong hồn đã quá vãng mà vì lý do nào đó người thân không biết để cúng tế hoặc chưa về được tự đường...; cùng thiên quang tỉnh, miếu Thổ công (thường gọi là miếu ông địa), miếu Bà Ngũ hành; rồi vườn tượng linh vật,vườn tượng danh nhân văn hóa, vườn hoa thư pháp... Một kiến trúc đáng chú ý trong quần thể này là “cầu ngói Nam phương” dẫn lối vào Nam phương Linh từ là kiến trúc đẹp, độc đáo hiếm có ở miền Tây Nam bộ.
Làng quê Nam bộ là một sự tái hiện cô đọng cách thức sản xuất, sinh hoạt, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của cha ông lúc mới đến đây khẩn hoang, lập ấp.
Kết nối những điểm đến
Huyện Lấp Vò đã đề ra lộ trình phát triển du lịch đến năm 2020 nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020: “...Đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở nông nghiệp, nông thôn và hoàn thiện các đô thị làm nền tảng, lấy phát triển công nghiệp, thương mai – dịch vụ và du lịch làm đột phá...”.
Đình Định Yên
Những năm qua, huyện rất quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, có kế hoạch trùng tu các di tích lịch sử văn hóa để phục vụ khai thác du lịch. Một trong những công trình nổi bật là nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐH 69 (cống Hùng Cường, tỉnh lộ 849 – trung tâm xã Long Hưng A), nâng cấp mở rộng hạ tầng chợ Nước Xoáy (xã Long Hưng A) để phục vụ khai thác KDLVHPN, làm cho vùng nông thôn này “thay áo mới”.
Là nông dân cố cựu của vùng đất Long Hưng A, ông Nguyễn Văn Khôi (SN 1947) quá bất ngờ trước sự đổi thay của quê mình từ sự đầu tư làm du lịch. Ông Khôi bảo con đường trước nhà trước đây hẹp, hai bên đầy cỏ, sậy mà giờ rộng mở, đầy sắc hoa, cây kiểng chào đón du khách. “Nhờ có khu du lịch mà diện mạo nông thôn quê tôi đổi thay nhanh chóng, mọi người ứng xử nhau văn minh hơn... Bà con rất phấn khởi và biết ơn địa phương và những người làm du lịch”- ông Khôi nói.
Bà Trương Thị Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, gắn kết với KDLVHPN, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tâm linh... nhưng đảm bảo hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Huyện chú trọng đầu tư phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn của các làng nghề, nông sản đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên... góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ...”.
Đến với Lấp Vò, ngoài KDLVHPN, du khách còn có các điểm đến khác như: Đình Tân An Trung – di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, trải nghiệm sinh thái cồn Ông (xã Tân Khánh Trung); Khu Di tích đình Tòng Sơn và Đền thờ Phật thầy Tây An - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh – gắn với ông Đoàn Minh Huyên, người đã ra sức trị bệnh cứu người trong trận đại dịch năm 1849, sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; lăng Tuyên Trung Hầu – một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn (xã Mỹ An Hưng A); Đình thần Định Yên – Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; làng nghề dệt chiếu Định Yên – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, chợ chiếu Định Yên, còn gọi là chợ ma (xã Định Yên);... cùng các địa danh lịch sử ghi dấu truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương, các đặc sản... Huyện đang tập trung đầu tư, tạo nét hấp dẫn để kết nối các điểm đến, hướng đến sự hài lòng của du khách.
Trên hành trình kết nối văn hóa phương Nam, nhất là khi cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống chính thức thông xe, thì Lấp Vò là địa danh mà nhiều du khách sẽ dừng chân để khám phá.
Thành Nam - Hữu Nghĩa