TP Sa Đéc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật ngày: 14/09/2024 17:48:34
ĐTO - UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73 ngày 3/3/2022 nhằm cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 254 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội TP Sa Đéc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Kế hoạch số 73 của UBND tỉnh, bên cạnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, đồng hành với doanh nghiệp, chuyển đổi số..., các sở, ngành tỉnh và UBND TP Sa Đéc tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh tại một vườn hoa - kiểng tọa lạc phường An Hòa, TP Sa Đéc
Từ năm 2022 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, TP Sa Đéc tiếp tục phát triển thế mạnh du lịch dựa vào nông nghiệp hoa, kiểng. Trên địa bàn thành phố có nhiều điểm tham quan du lịch lớn như: Cánh đồng hoa hồng, Sa Nhiên Garden, Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Dự án dòng sông hoa Sa Đéc mang đặc trưng vùng sông nước miền Tây... phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm khi đến với TP Sa Đéc. Đặc biệt, cơ sở homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, khu vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy, vườn kiểng Ngọc Lan được công nhận sản phẩm đạt OCOP. Hiện, thành phố có 22 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 4 mô hình homestay hoạt động ổn định: Ngôi nhà Hoa Ếch, Phong Le Vent, Nerverland De Papillions, Lối Xưa, Sa Nhiên.
Nhìn chung, du lịch gắn sản xuất hoa kiểng ngày càng phát triển, nhất là TP Sa Đéc thành lập mô hình Hợp tác xã sản xuất thương mại đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Làng hoa Sa Đéc. Riêng dịp Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023 diễn ra từ ngày 30/12/2023 - 5/1/2024 tại TP Sa Đéc, tỉnh đã cho ra mắt 4 tour du lịch mới trên địa bàn thành phố phục vụ du khách gồm: “Theo dấu Người tình”, “Sa Đéc Tình đất - Tình hoa”, “Vương quốc hoa Sa Đéc - Hành trình di sản xanh” và “Sa Đéc - Không gian văn hóa Phật giáo giữa lòng đô thị cổ”. Các tour du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề thủ công và các di sản văn hóa đặc trưng ở một số huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và mang đậm dấu ấn thời gian.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đường thủy nội địa được các doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân trên địa bàn TP Sa Đéc quan tâm đầu tư đóng tàu, xin phép mở bến khách để khai thác tiềm năng lợi thế sông Mêkông trong phát triển loại hình du lịch mới tại Đồng Tháp. Đồng thời duy trì hoạt động bến tàu khách du lịch trên tuyến sông Sa Đéc - Lấp Vò để khai thác lợi thế du lịch trên sông Tiền và kênh xáng Sa Đéc - Lấp Vò, kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền. Định hướng Quy hoạch cảng hành khách Sa Đéc 1 với khả năng tiếp nhận tàu 100 khách và quy hoạch mới một cảng hành khách trên sông Tiền, vị trí nằm trên cồn Đông Giang, với khả năng tiếp nhận tàu 250 khách. Cồn Đông Giang đã được Công ty Cổ phần Mekong Smart City của Tập đoàn Novaland quan tâm đề xuất ý tưởng quy hoạch.
Tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đối với Đình Vĩnh Phước; hoàn thành trùng tu, tôn tạo các di tích Xóm rẫy cụ Hồ, Đình Tân Quy Tây, nhà cổ Nguyễn Thành Giung, chùa Ông Quách (Kiến An Cung). Ngoài ra, TP Sa Đéc chú trọng phát triển kinh tế đêm, kết hợp với quảng bá hoạt động ẩm thực đa dạng từ các sản phẩm bột thông qua buổi ẩm thực ở làng bột, các món ăn truyền thống, Lễ hội Hoa Xuân, Lễ hội Hòa Bình và Lễ hội Độc lập, Tuần lễ du lịch... góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương theo hướng “Thành phố Lễ hội”. Đồng thời thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển du lịch đã hỗ trợ cho 10 điểm du lịch, 3 mô hình homestay, 1 farmstay với tổng kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng. Năm 2024, TP Sa Đéc ước thu hút 800.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.
Tiếp tục thực hiện Kết luận số 254 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội TP Sa Đéc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là TP Sa Đéc tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Thời gian tới, TP Sa Đéc tăng cường tuyên truyền quảng bá nhằm thúc đẩy phát triển mạnh du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm du lịch đặc thù của Sa Đéc. Cùng với đó, phát triển mô hình thương mại dịch vụ theo hướng kinh tế ban đêm; triển khai Đề án Làng văn hóa du lịch Hoa Sa Đéc gắn với Chương trình OCOP; huy động các nguồn lực xây dựng Công viên hoa Sa Đéc là công viên hoa đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm thu hút khách du lịch.
Dũng Chinh