Đồng Tháp

Các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp người dân giảm nghèo, vượt qua khó khăn

Cập nhật ngày: 17/12/2024 14:43:16

ĐTO - Thời gian qua, các hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp góp phần tạo nguồn vốn hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.


Nhờ được hỗ trợ vốn, một số hộ dân vùng biên giới Tân Hồng phát triển kinh tế gia đình với nghề nuôi bò

Trong những năm qua, xác định việc giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững.

Theo đó, các hoạt động TDCSXH đã “tiếp vốn” đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo động lực cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh áp dụng phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với hơn 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 140 Điểm giao dịch cố định tại các xã, phường, thị trấn. Việc bình xét đối tượng cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện theo quy định; giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch, đảm bảo vốn đến đúng các đối tượng một cách nhanh chóng, công khai, an toàn và hiệu quả.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đang quản lý, triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội; dư nợ khoảng 5.739 tỷ đồng với hơn 156.500 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng luôn được duy trì tốt, nợ quá hạn chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng dư nợ. Một số chương trình tín dụng có dư nợ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rất lớn như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

Để tạo điều kiện cho các đối tượng “cần vốn làm ăn” tiệm cận với các nguồn vốn chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.

Từ các nguồn vốn chính sách đã kịp thời giải ngân vốn vay giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách đầu tư sản xuất. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng không đầu hàng số phận, trông chờ vào trợ cấp xã hội, bà Lê Thị Ngọc ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng có nhu cầu vay vốn và được giải ngân 50 triệu đồng từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để mua bò nuôi vỗ béo. Bà Ngọc cho biết: “Có được nguồn vốn hỗ trợ, gia đình tôi có điều kiện sản xuất, lo cho các con ăn học tốt hơn. Đối với việc giao dịch về hồ sơ, nhận vốn, đóng lãi, trả nợ đều được thực hiện ở điểm giao dịch tại UBND xã Tân Hộ Cơ vào ngày cố định hàng tháng, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản lại được giao dịch trực tiếp với các giao dịch viên giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn để sản xuất”.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, đơn vị quan tâm thực hiện tốt việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay nhằm định hướng người vay sử dụng vốn đúng mục đích. Các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; duy trì sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện để các tổ viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và tương trợ lẫn nhau, góp phần nâng cao hiệu quả vốn vay.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa TDCSXH trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tiếp tục có nhiều giải pháp nhằm đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng vốn kịp thời cho các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay. Mặt khác, ngân hàng sẽ mở các lớp đào tạo để nâng cao nghiệp vụ ủy thác, ủy nhiệm cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn; ứng dụng hiện đại hóa tin học trong hoạt động tín dụng chính sách, nhằm đưa nguồn vốn đến hộ dân một cách nhanh chóng kịp thời, tạo nhiều kênh trao đổi thông tin để phổ biến tuyên truyền vốn tín dụng chính sách; nắm bắt kịp thời nhu cầu, cũng như khó khăn, vướng mắc của hộ dân để kịp thời tháo gỡ…

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn