Đồng Tháp kỳ vọng vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Cập nhật ngày: 06/12/2024 20:22:21

Thời gian qua, tỉnh thực hiện mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Đồng Tháp kỳ vọng, Đề án sẽ khởi tạo phương thức sản xuất mới, phù hợp với xu thế tiêu dùng của thế giới, góp phần nâng cao thu nhập người trồng lúa.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, tham gia mô hình thí điểm Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai vào tháng 6 năm 2024. Trên diện tích 50ha, các thành viên của HTX tuân thủ theo quy trình canh tác như: giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng đồng bộ cơ giới hoá vào sản xuất cùng quy trình tưới ngập khô xen kẽ. Mô hình bước đầu mang lại kết quả ấn tượng.


Mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi cho biết, kết thúc vụ lúa thu đông năm 2024, năng suất lúa đạt 6,13 tấn/ha, tương đương với lúa sản xuất bên ngoài nhưng giá thành giảm nhờ giảm giống, phân thuốc. “Trên mỗi ha, sau khi áp dụng giêo sạ 60kg, tôi giảm 80kg/ha giống,  giảm 50kg/ha phân bón (đạm nguyên chất, lân nguyên chất), giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tương đương chi phí giảm khoảng 1.605.000 đồng/ha. Chính vì giá thành thấp nên lợi nhuận thu lại trên 1 ha cũng cao hơn 4.281.657 đồng/ha so với trước kia”, ông Nghĩa tính toán.

Với những kết quả khả quan của vụ thu đông 2024 vừa qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi dự định sẽ mở rộng diện tích lên toàn HTX với diện tích 150ha. “Ban đầu, việc thuyết phục nông dân tham gia mô hình của Đề án gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến năng suất tăng cao, chất lượng lúa được cải thiện, nhiều hộ chủ động liên hệ với HTX để được hướng dẫn, tham gia. Từ những hiệu ứng tích cực này, vụ đông xuân 2024 - 2025, HTX tăng diện tích sản xuất lên toàn HTX”, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX DVNN Thắng Lợi cho biết.


Thu hoạch lúa tại cánh đồng thí điểm canh tác
lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh

Theo Sở NN&PTNT, mô hình thí điểm ở vụ thu đông có năng suất lúa bình quân cao hơn bên ngoài từ 8-10%/ha, giá bán lúa cũng hơn 100-200 đồng/kg. Nông dân lãi từ 3-5 triệu đồng/ha, cao hơn trước kia 10-15%.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, qua thời gian triển khai mô hình, tỉnh ghi nhận được những kết quả khả quan. Nông dân ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Dựa trên những đánh giá từ vụ thứ nhất, Đồng Tháp sẽ rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí, nhất là đề xuất đầu tư các hạ tầng  giải quyết việc kiểm soát nước, đảm bảo các yêu cầu giảm phát thải trên mặt ruộng. Ngoài việc mở rộng mô hình điểm tại HTX Thắng Lợi lên diện tích 150ha, tỉnh tiếp tục chọn các HTX có trên 100ha trở lên, thực hiện áp dụng các quy trình canh tác bền vững và các tiêu chí giảm phát thải theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh thông tin.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn