Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 16/07/2018 08:10:27

ĐTO - Diện mạo nông thôn Đồng Tháp đổi thay rõ nét, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN). Phát huy những kết quả đạt được, 2 năm qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện XDNTM gắn với Đề án TCCNN và giảm nghèo bền vững.


Người dân xã Bình Hành Trung, huyện Cao Lãnh tham gia làm cầu nông thôn

BTV Tỉnh ủy lãnh đạo tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Kết luận số 23-KL/TU ngày 15/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM mới gắn với Đề án TCCNN và công tác giảm nghèo bền vững. BTV Tỉnh ủy phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, trưởng ngành tỉnh phụ trách xã điểm XDNTM giai đoạn 2016-2020 để theo dõi, giám sát và hỗ trợ các địa phương. Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM và TCCNN; Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình việc làm và giảm nghèo các cấp được củng cố, kiện toàn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả trong XDNTM, liên kết sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo.

Qua báo cáo của Tỉnh ủy cho thấy, các địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nên tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, bà con tích cực ủng hộ tài lực, vật lực để xây dựng nhiều công trình thiết yếu. Kết quả lũy kế 2 năm (2016 - 2017), Chương trình XDNTM huy động 42.172 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp và nhân dân đóng góp khoảng 1.258 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Nhà nước và người dân ủng hộ, các địa phương đầu tư 1.335 công trình thủy lợi, xây dựng 64 trạm bơm điện (phục vụ tưới tiêu 8.399ha), tổng kinh phí trên 685 tỷ đồng. Đặc biệt, đường giao thông, đê bao, hệ thống thoát nước khu dân cư, nhà văn hóa... ở các xã biên giới, xã điểm và cả xã diện nông thôn mới được quan tâm xây dựng, nâng cấp.

Trong ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Cơ quan chức năng triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất lúa; canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nhiều điểm thực hành và mô hình canh tác xoài rải vụ theo hướng an toàn (hơn 416ha). Việc sản xuất hoa kiểng được ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới; áp dụng các tiêu chuẩn GAP và tương đương đối với ngành hàng cá tra. Còn ngành hàng vịt thì nông dân dần thay đổi tập quán từ nuôi vịt chạy đồng sang nuôi nhốt, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy tiếp tục lãnh, chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh quan tâm triển khai tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về vốn sản xuất, đào tạo nghề. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo cất mới, sửa chữa hơn 3.300 căn nhà; mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 145.500 người thuộc hộ cận nghèo. Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, giai đoạn năm 2016 - 2017, có hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo.

Qua công tác tuyên truyền, vận động và các mô hình: cộng đồng dân cư quản lý XDNTM theo phương châm “3 tự, 1 nhờ”; Hội quán nông dân... đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM, đóng góp tích cực cho TCCNN và giảm nghèo. Theo BTV Tỉnh ủy, qua 2 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TU, tỉnh Đồng Tháp đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Đến tháng 5/2018, tỉnh có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới; TP.Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,11% (giảm 3,87% so với năm 2016); tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp duy trì ổn định; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm còn 51,46% so với tổng lao động xã hội; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hơn 34 triệu đồng; 98% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn