Đồng Tháp

Nỗ lực phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 14/09/2023 10:44:13

ĐTO - Để phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, thời gian qua,  Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.


Hoạt động chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển 
đQuốc gia - IDI (huyện Lấp Vò)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích thả nuôi cá tra ước đạt 1.834ha, tăng 2,1% (tương ứng 38ha) so với cùng kỳ và chiếm 70,2% so kế hoạch năm 2023. 

Để nâng cao chuỗi giá trị, doanh nghiệp, người nuôi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất theo quy trình, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện, toàn tỉnh có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích trên 1.627,6ha mặt nước, trong đó, có 661,7ha của 24 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu và 965,9ha của hộ cá thể. Áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với trên 42% diện tích thả nuôi. Thực hiện đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT cho 74 cơ sở, (kết quả có 20 cơ sở xếp loại A và 54 cơ sở xếp loại B); tổ chức tập huấn 113 cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ và 60 ghe vận chuyển ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.

Đối với hoạt động nuôi cá tra thương phẩm, toàn tỉnh có 1.180 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra (trong đó, có 76 cơ sở sản xuất giống và 1.104 cơ sở ương dưỡng), sản xuất được 14.000 triệu cá tra bột và 1.400 triệu cá tra giống, cung ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Ứng dụng kết quả của nghiên cứu chọn tạo cải thiện di truyền tính trạng tăng trưởng cá tra, Đồng Tháp phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp nhận và chuyển giao 107.970 con cá tra cải thiện di truyền cho 17 cơ sở sản xuất giống cá tra đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 49,43 tỷ bột và khoảng 4,8 tỷ con cá tra giống có tính trạng tăng trưởng nhanh.

Với hoạt động chế biến, hiện tại, Đồng Tháp có 27 doanh nghiệp với 28 dự án chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động; đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất an toàn trong nước và quốc tế (BRC, ISO, HACCP…). Bên cạnh đó, có 13 doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như collagen, dầu cá, bột cá, mỡ cá… với công suất thiết kế khoảng 350.000 tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 80.000 tấn bột cá, mỡ cá; khoảng 1.800 tấn collagen và 17.700 tấn dầu cá…

Theo nhiều nông dân nuôi cá tra tại huyện Châu Thành, hiện tại, cá tra nguyên liệu (kích cỡ 900 gram đến 1,1kg) có giá từ 26.000-27.000 đồng/kg; kích cỡ cá 1,5kg trở lên có giá 28.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm tháng trước.

NHẬT NAM

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn