“Làng Đại học Rạch Ngã Cũ” duy trì truyền thống thi đỗ đại học
Cập nhật ngày: 09/12/2013 04:31:50
Tên gọi “Làng Đại học Rạch Ngã Cũ” thuộc ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung đã có từ những năm 2000, là 1 con rạch nhỏ, địa hình như 1 vòng cung, người dân sống cặp 2 bên con rạch. Địa bàn này trước đây thuộc vùng sâu của xã Long Thắng, nhà cửa thưa thớt, từ đầu đến cuối con rạch chỉ có 54 hộ... nhưng được nhiều người biết đến và có nhiều người đỗ đại học (người dân địa phương thì gọi Làng hiếu học). Hằng năm, con em của các hộ dân ở Rạch Ngã Cũ thi đỗ vào Đại học với số lượng càng tăng.
Ông Võ văn Đức - người lớn tuổi có uy tín trong làng cho biết: Ngày xưa Rạch Ngã Cũ có ông Lại Trí Sanh, ông là người có học vấn cao và là thầy giáo duy nhất của xã Long Thắng. Ông có nhiều thành tích đóng góp cho làng, xã và bà con trong làng, từ đó ông đã trở thành tấm gương hiếu học để mọi người noi theo. Nối bước truyền thống đó, nhiều gia đình ở Rạch Ngã Cũ phấn đấu cho con ăn học và sau này nhiều con, cháu đã bước chân vào đại học. Mãi đến nay truyền thống đó tiếp tục được phát huy, con cháu trong làng tiếp bước nhau vào Đại học, với số lượng mỗi năm càng nhiều. Cụ thể năm 2010 có 3 cháu vào đại học, năm 2011 có 4 cháu, năm 2012 có 5 cháu và năm 2013 có 5 cháu, với nhiều ngành nghề khác nhau như bác sĩ, kỹ sư, công an, điện lực, ngân hàng, kinh doanh... nhưng nhiều nhất vẫn là ngành sư phạm, ngành truyền thống của làng.
Ông Võ văn Đức có 2 con gái học đại học ngành sư phạm, hiện đã ra trường và có được việc làm ổn định. Những năm trước đây truyền thống của Làng là học đại học ngành sư phạm để trở thành thầy, cô giáo, nhưng thời gian gần đây nhiều bậc phụ huynh và học sinh trong làng đã thay đổi cách nghĩ: không nhất thiết phải học ngành sư phạm mà có thể học bất cứ ngành nào xã hội đang cần để có cơ hội đóng góp sức mình và có được việc làm, thu nhập ổn định, song truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, truyền thống hiếu học ở Rạch Ngã Cũ vẫn mãi duy trì trong tâm thức của mỗi người.
Theo thống kê của ấp, Rạch Ngã Cũ chỉ có 54 hộ, nhưng số hộ có con vào đại học chiếm khoảng 70%. Có những gia đình 2, 3 người con vào đại học, như gia đình ông Trần Văn Tâm có 3 người con vào đại học và hiện nay đã ra trường làm kỹ sư các ngành xây dựng, điện lực, cơ khí; gia đình ông Võ Thành Lũy có 3 người con vào đại học, hiện đã ra trường đang giữ những nhiệm vụ quan trọng trong các ngành y tế, pháp luật, giáo dục; 2 người con của ông Lê Tấn Khởi: 1 người vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, 1 người mới thi đỗ vào đại học năm 2013; ông Lê Tấn Nghĩa có 2 con học đại học: 1 ra trường đang công tác ngành ngân hàng 1 người đang học đại học năm thứ 3 ngành sư phạm; bà Nguyễn Thị Ngay có 4 người con đỗ đại học, hiện đã ra trường và là những giáo viên giỏi, lâu năm...
Con cháu thành đạt, việc làm ổn định, thu nhập đáng kể, đời sống kinh tế từng hộ dân Rạch Ngã Cũ ngày càng khấm khá; điều kiện chăm lo cho con cháu ăn học ngày càng tốt hơn. Người dân an tâm phát triển sản xuất, chan hòa tình làng nghĩa xóm, cùng chung tay xây dựng Rạch ngã Cũ ngày một khang trang. Rồi đây, “Làng Đại học Rạch Ngã Cũ” sẽ không còn là 1 địa danh xa xôi hẻo lánh, thay vào đó là sự phát triển về mọi mặt đang diễn ra, những bậc ông bà, cha mẹ được tận hưởng cuộc sống đầm ấm, vui vẻ, điều kiện sinh hoạt về vật chất, tinh thần đầy đủ... Đó chính là kết quả của việc duy trì truyền thống hiếu học, là sự dày công chăm lo cho con em của từng gia đình ở Rạch Ngã Cũ.
Mỹ Thức