“Ngày mai” - chuyện học hành

Cập nhật ngày: 31/07/2023 13:32:18

ĐTO - “Ngày mai” - Chuyện học hành sẽ bàn việc ngày mai đưa trẻ đến trường (vào ngày khai giảng năm học mới) và ngày mai là tương lai của trẻ sau khi ra trường. Đây là vấn đề hệ trọng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời căn dặn của người xưa: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đưa trẻ đến trường và cùng với trường, gia đình sẽ làm gì để việc “trồng người” trẻ thành người có ích cho gia đình và xã hội. Một việc được xem “xưa như trái đất”, nhưng luôn “sốt”.


Học sinh TP Sa Đéc tham dự Ngày hội Giao lưu học sinh Tiểu học tỉnh Đồng Tháp năm học 2022 - 2023

Khái niệm ngày mai” có cả nghĩa gần lẫn xa. Gần, khi hôm nay nói chuyện mai. Ngày mai cũng có thể là một tương lai xa - ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Hôm nay, chúng ta nói chuyện việc học của trẻ để chuẩn bị cho tương lai. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. “Máu” cần học và ham học trở thành lẽ tự nhiên đối với mỗi gia đình người Việt. Trẻ lớn lên thì cắp sách đến trường và các bậc cha mẹ thì lam lũ để cho con ăn học nên người và thành tài. Biết bao câu chuyện về trẻ vượt khó và gia đình “chạy vạy” để con em được học “đến nơi đến chốn”. Và khi chuẩn bị bước vào năm học mới với việc ghi danh vào lớp 1 hay chuyển cấp, nhiều cha mẹ phải đứng xếp hàng chực chờ, mòn mỏi đăng ký cho con em vào lớp, vào trường tốt nhất. Tất cả chỉ vì một ngày mai tươi sáng cho trẻ. Nhưng, tiền đồ xán lạn ấy phải dựa trên đạo lý căn bản của việc học mà ít người thấu hiểu. Học để thành “người” và đó là quá trình “trồng người”. Điều quan trọng nhất để trở thành “người” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Thành người và đã là người cần có đủ “bốn đức” nói trên. Bốn đức ấy được hình thành và phát triển là cả một quá trình. Xem xét kỹ các yếu tố của “đức” sẽ thấy vai trò tối quan trọng của gia đình. Gia đình hằng giờ hằng ngày nuôi dưỡng các đức tốt và uốn nắn, chỉnh sửa những khuyết tật nảy sinh ngay khi có dấu hiệu ban đầu. Bên cạnh đức là nền tảng, con người phải có tài. Tài là những kỹ năng, thạo việc. Mặc dù bẩm sinh có vai trò quyết định, tài năng là do rèn luyện, thực hành. Ở đây, nhà trường chính là “vườn ươm” tài năng. Gia đình kỳ vọng ở nhà trường và người thầy là chính đáng và chính xác. Các lý thuyết khoa học trên các lĩnh vực phải do những người có kiến thức cao (thầy) truyền thụ. Dù vậy, từ những bước đi chập chững trên nấc thang tri thức ấy, gia đình luôn là chỗ dựa, thúc đẩy để trẻ không bị mỏi gối, chồn chân. Như vậy, dù xây nền đạo đức hay tạo dựng tài năng, gia đình luôn luôn giữ một vị trí đặc biệt. Thấu suốt tầm quan trọng của nó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” (T1, tr.144). Với tư cách đại diện xã hội, Nhà nước thực hiện chức năng liên kết 3 môi trường (gia đình - nhà trường - xã hội) sẽ tạo thế “như kiềng ba chân” vững chắc để hình thành các thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên” của “ngày mai”.

Tuy nhiên, ba “pháo đài” kiên cố trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ thành “người” đều có những nhận thức và hành xử sai lệch. Lệch lạc cả trong xây đức và luyện tài. Khá nhiều gia đình đã “ấp” nên những chú “gà công nghiệp” bởi tình thương yêu vô độ. Không ít nhà trường và góc khuất của xã hội đua nhau điểm số, chứng chỉ, bằng cấp “đẹp” không dựa trên chính năng lực thực của trẻ. Ai ai cũng nhận rõ, nhưng “guồng máy” và tập quán cứ kéo con người đi xa dần con đường đúng trong việc “trồng người”. Do thiếu chịu khó của các thành viên trong gia đình về rèn đức, biết bao trẻ trở nên ngỗ nghịch, rơi vào nghiện ngập, vi phạm pháp luật trên nhiều mặt với các mức độ khác nhau. Từ ước vọng một gia đình hạnh phúc đã trở thành nơi chốn bất hạnh. Do thiếu nền tảng đạo đức, trẻ lớn lên “góp mặt” cho xã hội những công dân thiếu gương mẫu và công chức tha hóa. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực của nhiều cơ quan hệ thống chính trị và tệ nạn trong xã hội đang hoành hành, gây nhức nhối đời sống xã hội phải được lý giải từ việc rối loạn nền tảng đạo đức. Các giá trị đạo đức bị đảo lộn, đồng tiền lên ngôi (tiền là tiên là phật... Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn). Không ít câu hỏi nghiêm túc hay bỡn cợt tiền để làm gì lan truyền không có lời kết. Vinh - nhục được so sánh lương tâm không bằng lương tháng mà nhiều người chấp nhận. Liêm sỉ như thứ phù du. Giả dối như “hành trang” sống... Tiếng than thở: Ai cũng gù, mình thẳng lưng là dị tật cho thấy trạng thái đạo đức trong xã hội hiện nay đáng báo động đến dường nào. Ở đây, cần nhắc lại lời cảnh tỉnh của nhà lãnh đạo nổi tiếng của Nam Phi Nelson Mandela - 1 trong 30 nhân vật vượt thời đại, để hiểu thêm cái đạo lý cứ ngỡ đã thuộc làu. Ông nói: “Để phá hủy bất kỳ Quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”. Nói rộng hơn đó là sự gian dối trong đời sống xã hội.

Truyền thống hiếu học và triết lý giáo dục về “trồng người” của Việt Nam đã và vẫn là mạch ngầm chuyên chở những hạt ngọc tốt đẹp gieo vào các thế hệ Việt Nam để tạo nên những lớp người tài năng, phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Mặc dù có khá nhiều “vấn nạn” trong dạy và học, lớp lớp trẻ Việt Nam đã và đang thực hiện tốt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Nhiều người trẻ đã được xướng danh trong các kỳ thi khoa học quốc tế. Gần đây, 6 học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic Toán quốc tế năm 2023 đều giành Huy chương (2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng). Việt Nam được xếp thứ 6/112 Quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia kỳ thi này, sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Romania và Nhật Bản.

Gạn đục khơi trong và tiếp thu tinh hoa các nước, vấn đề “trồng người” của Việt Nam hiện nay cần phải được đặt đúng cách và đúng hướng. Sự nghiệp “trồng người” là vấn đề đại sự cần được bàn thảo nghiêm túc. Nếu một người chỉ “sai một ly đi một dặm”, việc “trồng người” mà sai thì mất nhiều thế hệ - nhiều “trăm năm” lắm vậy! Trong khi tích cực chấn chỉnh 3 môi trường giáo dục, các gia đình hãy chú trọng tự xây dựng “thành trì” để chăm chút “trồng người”, nhất là gieo, vun đắp “bốn đức” của con người để từ đây sẽ cho ra những quả ngọt cho đời. Trong khi mong muốn tạo dựng được những con người phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ, các gia đình hãy hướng cho trẻ lòng nhân ái và tính trung thực. Rộng hơn, Đảng bộ Đồng Tháp đã xác lập mục tiêu: “Phát triển con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”. Đó là những con người “vừa hồng, vừa chuyên”.

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Hôm nay nhìn lại để thấu suốt. Việc “trồng người” là việc của ngày mai, của tương lai. Đã là con người phải hội tụ cả đức và tài. Đức là gốc - “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”. Vun trồng, bồi đắp cho trẻ có đủ đức để có thể mang vinh quang về cho gia đình, nâng tầm Việt sánh vai cường quốc năm châu đó là nguyện vọng sâu xa của các gia đình. Nguyện vọng ấy phù hợp mục tiêu của nhà trường và xã hội. Khi 3 môi trường giáo dục đang nhìn về một hướng sẽ quy tụ, khai thác được tất cả tiềm năng của xã hội và nếu thực thi đúng cách, đúng hướng việc “trồng người” chắc chắn sẽ hình thành lớp lớp thế hệ “Phù Đổng” của “Ngày mai”.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn