40 năm ươm mầm tri thức và gắn bó những ân tình
Cập nhật ngày: 20/11/2015 13:46:43
Đối với cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên (SV) Trường Đại học Đồng Tháp (ĐHĐT), Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi đây còn là ngày diễn ra “cuộc hội ngộ của 40 năm” các thế hệ thầy - trò của trường. Chặng đường 40 năm (1975 - 2015), đã đánh dấu nhiều thành tựu ươm mầm tri thức của trường trên đất Sen hồng.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp đọc diễn văn khai giảng năm học 2015-2016
Trường Đại học Đồng Tháp là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ GD&ĐT, đào tạo đa ngành thuộc các lĩnh vực: Sư phạm, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và nghệ thuật ở các trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học; loại hình đào tạo đa dạng với các hệ: chính quy, vừa làm vừa học và liên thông. Với sự nỗ lực không ngừng, Trường Đại học Đồng Tháp đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1997), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2009). Nhà trường cũng đã hoàn thành việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp - QUACERT cấp chứng nhận. Đây là sự khẳng định cho sự phát triển và không ngừng vươn lên của trường trong thời gian qua. |
Mô hình trường sư phạm đa cấp đầu tiên cả nước
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước yêu cầu thiết lập các trường đào tạo giáo viên phổ thông và mầm non ở vùng đất lịch sử Đồng Tháp Mười, vào ngày 26/12/1975, theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Thanh niên, Trường Trung học Sư phạm Đồng Tháp được thành lập và khai giảng khóa cấp tốc đầu tiên. Năm 1977, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định thành lập Trường Sư phạm Cấp II Đồng Tháp. Đến năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định công nhận Trường Sư phạm Cấp II Đồng Tháp là Trường cao đẳng (CĐ) Sư phạm Đồng Tháp. Cũng trong giai đoạn này, UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định thành lập Trường Sư phạm Mẫu giáo Đồng Tháp (năm 1980), Trường Cán bộ quản lý giáo dục Đồng Tháp (năm 1985). Năm 1989, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho hợp nhất các trường đào tạo giáo viên và cán bộ (CB) quản lý giáo dục trong tỉnh thành một trường, lấy tên là Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp. Đây là mô hình trường sư phạm đa cấp đầu tiên trong cả nước.
Một góc Trường Đại học Đồng Tháp
Đến năm 2003, trước yêu cầu đào tạo giáo viên và CB quản lý giáo dục cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp được thành lập trên nền tảng Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp, theo Quyết định số 08/2003/QĐ-TTg, ngày 10/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 4/9/2008, Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp đổi tên thành Trường ĐHĐT - một trường ĐH đa ngành, đa cấp, đa hệ.
Những ngày đầu dựng trường, mở lớp, mặc dù trong hoàn cảnh tập trung khắc phục vết thương chiến tranh, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thương yêu đùm bọc của người dân, sự chi viện và giúp đỡ chí tình của các cơ sở giáo dục miền Bắc, sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, SV, nhà trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để thực hiện nhiệm vụ đào tạo từ các hệ cấp tốc, 9+1, 9+2, 9+3, 12+1, 12+2 cho đến CĐ, ĐH và sau ĐH như ngày hôm nay.
Chủ trương của các trường sư phạm lúc đó là vừa tổ chức đào tạo vừa lao động tăng gia sản xuất, với các hoạt động như: cắt lúa, đóng gạch, trồng tràm, bốc sắt, dệt chiếu,... Trong khó khăn đó, thầy trò của trường đều tự vượt lên và gắn kết nghĩa tình. Và, gần bốn thập kỷ trôi qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, SV Trường ĐHĐT luôn kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, đồng lòng thực hiện tốt sứ mệnh được giao.
Với truyền thống 40 năm đào tạo giáo viên và CB quản lý giáo dục, nhà trường đã góp phần to lớn trong việc bổ sung hơn 40.000 giáo viên, cử nhân và CB khoa học - kỹ thuật, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp, các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước.
Tích cực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo
Đến tháng 11/2015, Trường ĐHĐT được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ với 5 chuyên ngành: Quản lý giáo dục, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, Giáo dục học (Giáo dục Tiểu học), Ngôn ngữ Việt Nam, Hóa lý thuyết và Hóa Lý. Trường hiện có 32 ngành đào tạo trình độ ĐH, 16 ngành đào tạo trình độ CĐ. Quy mô đào tạo của nhà trường hiện nay 10.600 học viên, SV chính quy đến từ 49 tỉnh, thành trong cả nước và 4.600 SV hệ liên thông, vừa làm vừa học tại 22 cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh trong và ngoài vùng ĐBSCL.
Nhà Hỗ trợ dạy học, công trình lớn nhất từ trước đến nay của Đại học Đồng Tháp với kinh phí đầu tư trên 49 tỷ đồng (Anh: Thành Nam)
Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với nhiều trường ĐH có uy tín trong nước để đào tạo trình độ thạc sĩ với 460 học viên, là giảng viên, giáo viên, CB thuộc các trường ĐH, CĐ, trường phổ thông, các doanh nghiệp trong và ngoài vùng ĐBSCL. Một con số khá ấn tượng là trường có 1.260 SV ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về đội ngũ, tính đến nay, Trường ĐHĐT có 586 công chức, viên chức, 89,9 % giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó có 2 phó giáo sư, 55 tiến sĩ, 75 nghiên cứu sinh, 79 giảng viên đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Đặc biệt, trường đang có 10 cặp vợ chồng GV trẻ, đều là tiến sĩ, hoặc một người là tiến sĩ và một người đang là nghiên cứu sinh. Đây là sự nỗ lực và thành công vượt bậc của tập thể nhà trường trong 12 năm qua (năm 2003, trường chỉ có 165 CB, giảng viên, trong đó có 21 người có trình độ sau ĐH). Hiện nay, trường có 13 khoa đào tạo, 14 phòng, ban chuyên môn, 5 trung tâm, 1 tạp chí khoa học, 1 trạm y tế và 1 trường mầm non trực thuộc.
Trường đã có 1.989 đề tài khoa học và công nghệ, công bố 1.345 bài báo trên các tạp chí khoa học có chỉ số ISSN, trong đó có 202 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế với 105 bài báo thuộc danh mục ISI. Từ năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động báo chí in cho Tạp chí Khoa học ĐHĐT (đã phát hành 16 kỳ). Tạp chí đăng tải các công trình nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực: khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế và công nghệ; thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nhằm phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường và của ngành giáo dục. Đó là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn lao mà Bộ Giáo dục và Đào tạo , Bộ Thông tin và Truyền thông đã tin tưởng giao nhiệm vụ.
Trường ĐHĐT luôn quan tâm thiết lập và phát triển công tác hợp tác quốc tế với nhiều trường ĐH, nhiều tổ chức giáo dục và xã hội trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế đã mang lại hiệu quả tích cực cho công tác đào tạo như: nhiều CB, giảng viên và SV của trường được tạo điều kiện đi học hoặc tham gia các dự án để nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tại 10 quốc gia: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Anh và Mỹ; áp dụng một số chương trình đào tạo tiên tiến;...
Lấy hiệu quả và chất lượng làm nguồn sức mạnh
Trường ĐHĐT đã xây dựng nên những truyền thống tốt đẹp và quý báu là lòng nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; tinh thần khắc phục khó khăn, ý thức học hỏi, tự rèn luyện, bồi dưỡng phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, sự gắn bó với tập thể của đội ngũ CB, viên chức và SV dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ. Những truyền thống quý báu ấy đã kết tinh thành sức mạnh để xây dựng một môi trường sư phạm tích cực. Trường xứng đáng là cái nôi, là bệ phóng vững chãi và đầy tự hào của nhiều thế hệ giảng viên, CB khoa học, kỹ thuật, công chức, viên chức, doanh nhân thành đạt đã, đang công tác ở các trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, cùng sự tin tưởng của bà con nhân dân.
Nữ sinh Khoa Giáo dục Tiểu học - Mầm non
Với những thành công đã đạt được, ĐHĐT không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học hiện đại; đặc biệt, chú trọng đến phát triển quy mô đào tạo, song song với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, mở rộng phạm vi ngành nghề đào tạo ra ngoài sư phạm, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương; tăng cường liên kết đào tạo sau ĐH với các ĐH, học viện; tổ chức nhiều loại hình bồi dưỡng, đào tạo mới, hiện đại và hiệu quả, tập trung vào những vấn đề thiết thực đang đặt ra cho ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL;... Đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất để phục vụ dạy, học và nghiên cứu luôn là mong ước thường trực của tập thể lãnh đạo Trường. Chính vì lẽ đó, hai công trình lớn là Nhà Hỗ trợ dạy học và Nhà Thí nghiệm thực hành được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gần đây. Với sứ mệnh của mình, Trường ĐHĐT luôn lấy hiệu quả và chất lượng đào tạo làm thước đo, làm nguồn sức mạnh để tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa thành tích tốt đẹp đã đạt được, đẩy mạnh hội nhập để không ngừng phát triển và vươn đến tầm cao mới, làm nòng cốt thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục trong vùng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đổi mới giáo dục.
Những lời tri ân
Nhân dịp kỉ niệm với nhiều cảm xúc này, toàn thể CB, giảng viên và SV nhà trường xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ và cơ quan, ban, ngành ở Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, dành những tình cảm sâu nặng và trách nhiệm lớn lao, định hướng cho nhà trường phát triển bền vững. Đồng thời, nhà trường tri ân sâu sắc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã không ngừng kề vai, sát cánh ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường trên chặng đường 40 năm qua. Xin được bày tỏ tình cảm trân trọng và biết ơn các trường mầm non, phổ thông, các trường chuyên nghiệp, các trường CĐ, ĐH trong và ngoài nước, các cơ sở giáo dục, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi trên con đường xây dựng, hội nhập và phát triển. Chúng tôi luôn khắc ghi những ân tình của các thế hệ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, học viên, SV nhà trường qua các thời kỳ. “Ân tình” này mang giá trị truyền thống, kết tinh thành văn hóa của nhà trường. Các thế hệ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, học viên, SV nhà trường qua các thời kỳ cho dù ở vị trí công tác khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, hay đang ở những địa phương khác nhau... nhưng vẫn luôn quan tâm, luôn dõi theo, luôn giúp đỡ, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của mái nhà chung - ĐHĐT.
Hiệu trưởng trường tặng hoa cho các giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm
Có những đồng nghiệp đã nghỉ hưu, mái tóc trắng màu mây, đôi mắt hằn sâu những vết chân chim, đi lại đã khó khăn hơn... nhưng vẫn dành thời gian, tâm sức và trí lực đóng góp sáng kiến, ý kiến một cách chân thành cho kế hoạch chiến lược của nhà trường. Thật đáng trân trọng biết bao!
Trong những dịp đi công tác, hội nghị, hay đi thực tế ở các địa phương, gặp lại cựu SV của trường, đã thành đạt ở vị trí công tác nhất định, rồi nghe thêm thông tin vui về những cựu SV khác, chúng tôi thấy ấm áp vô ngần. Mỗi một giải thưởng danh giá mà các bạn SV đang học tại trường đạt được, mỗi một công trình, bài báo khoa học được công bố, hay mỗi tân thạc sĩ, tân tiến sĩ bảo vệ thành công luận văn, luận án trở về Trường công tác... đều là niềm vui, là sự tự hào chung của tập thể và được nhân lên. Trường ĐHĐT luôn một lòng vì “sự nghiệp trăm năm” bên dòng sông Tiền hiền hòa, lộng gió.
Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp