Bố mẹ “cuồng” thành tích
Cập nhật ngày: 07/06/2016 09:21:50
Bệnh thành tích trong trường học ảnh hưởng lớn đến học trò nhưng áp lực trực tiếp và gây khủng hoảng cho con trẻ hàng đầu phải kể đến bệnh thành tích từ chính bố mẹ.
Nhiều phụ huynh săm soi từng điểm số, xếp hạng của con
“Sao lại kém nó 0,1 điểm?”
Kết thúc năm học, cô học trò lớp 7 đạt kết quả học tập 9,3, trong khi bạn đứng hạng nhất lớp là 9,4. Những tưởng em phải vui với nỗ lực cả năm học của mình nhưng không, cô học trò vẫn mang đầy tâm trạng khi về nhà báo cáo với bố mẹ.
Thay vì chia sẻ niềm vui ngày tổng kết năm học, chia tay bạn bè thầy cô; thay vì trao đổi những kế hoạch cho ngày hè sắp tới, em mất cả buổi để “giải trình” câu hỏi: “Sao lại kém nó 0,1 điểm?” của mẹ.
“Con được 9,33 còn Yến Nhi chỉ mới 9,36, kém 0,03. Nhưng do làm tròn nên con mới thua đến 0,1 điểm”, cô học trò giải thích chi li như để vớt vát thành quả của mình trong mắt mẹ.
Chưa hết, cô học trò còn kể lại với mẹ kết quả mình bị kém trên còn do bài kiểm tra môn Sinh lẽ ra được 10, cô giáo chỉ chấm 9,5. Em đã phản ánh với cô nhưng do sai sót không đáng kể nên cô giữ nguyên điểm số làm em bị “thiệt”.
Người mẹ nghe xong, trách cô giáo không công bằng một chặp rồi tranh thủ nhắc lại những lần “thất bại đau thương” trước đây của con làm bố mẹ mất ăn mất ngủ như thi học sinh giỏi năm lớp 5 chỉ đạt giải ba, lớp 6 thi vào trường “điểm” thì suýt rớt để “đe” con hè này dồn sức lực để học.
Nhiều giáo viên chia sẻ, cuối năm học nhiều học trò đạt kết quả học tập chưa như ý, xếp hạng không cao thì khó được yên với bố mẹ. Có phụ huynh còn dẫn con đến gặp cô giáo để “tra khảo” cả cô lẫn trò về kết quả. Có nhiều em cầm kết quả học tập thì sợ hãi, hỏi cô nâng điểm cho mình được không chỉ vì sợ bố mẹ.
Không chỉ trong chuyện học hành, “bệnh” thành tích của bố mẹ đặt lên vai con trẻ xuất hiện trong mọi lĩnh vực. Một cuộc vui, trò chơi của con trẻ cũng có thể bị phụ huynh bóp méo, biến thành một “cuộc chiến” phải có kẻ thắng, người thua.
Thậm chí, trong nhiều trò chơi của con trẻ, phụ huynh cũng nặng tính hơn thua
Cách đây không lâu, một sân chơi dành cho trẻ độ tuổi mầm non ở TP.HCM thể hiện năng khiếu vẽ phải giải tán khi ban tổ chức không dẹp nổi… đám đông là phụ huynh chen nhau lao vào, kè kè bên cạnh trẻ để chỉ cho con cách vẽ, cách tô màu. Thậm chí, có đứa trẻ ngồi vẽ tranh mà cả ông bà, bố mẹ cùng đứng “chỉ đạo”. Ban tổ chức thông báo một cách thiết tha đây chỉ là sân chơi vui cho trẻ nhỏ, các phần thưởng chỉ mang tính khích lệ nhưng chịu thua… tình thương con mãnh liệt của phụ huynh.
Tưởng như yêu thương vô tình theo bản năng nhưng hành động, thái độ của bố mẹ đều tác động hình thành ở con trẻ áp lực luôn vượt lên người khác, chiến thắng người khác, kể cả việc không bằng chính nỗ lực của mình.
Áp lực kinh hoàng
Bệnh thành tích trong trường học ảnh hưởng lớn đến học trò nhưng áp lực trực tiếp và gây khủng hoảng cho con trẻ hàng đầu phải kể đến bệnh thành tích trước hết là từ chính bố mẹ. Từ kỳ vọng của gia đình, nhiều học trò khi không đạt được kết quả, thành tích như mục tiêu của bố mẹ rơi vào cảnh khủng hoảng, thậm chí có em tìm đến cái chết vì sợ bố mẹ thất vọng về mình.
Mới đây nhất, em Đ.T.T, học sinh Trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước chọn cái chết sau khi có điểm tổng kết học kỳ 1 chỉ xếp loại trung bình. Trong lá thư để lại, T. bảy tỏ sự buồn chán, tuyệt vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng từ gia đình. Em cho rằng mình được học sinh trung bình đồng nghĩa với việc đã phụ lòng bố mẹ và tương lai… chẳng còn gì nữa.
Trong lá thư của T có đoạn: “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả”.
Cô giáo Đàm Lê Đức, Trường THCS - THPT Đức Trí, TPHCM chia sẻ, điều bà băn khoăn nhất với học trò ngày nay là các em đang mất đi mục tiêu học tập đúng đắn. Thay vì học cho bản thân, học để hiểu mình thì bà gặp rất nhiều học trò học cho bố mẹ, cho những kỳ vọng của gia đình. Áp lực rất lớn nhưng các em lại không có động lực học tập nên dẫn đến bi quan, chán nản.
Có không ít học trò sẵn sàng từ bỏ cuộc sống, từ bỏ tương lai của mình vì những sự cố trong học tập, trong cuộc sống. Sự thất bại tạm thời không giết chết các em nhưng khi đặt chúng bên cạnh những kỳ vọng, nhất là kỳ vọng từ gia đình thì nó trở thành nỗi sợ khủng khiếp.
Yêu cầu đối với con trẻ ngày càng cao, đòi hỏi ở các em phải nỗ lực rất nhiều để thích nghi với cuộc sống. Nhưng hơn tất cả đòi hỏi từ gia đình là áp lực lớn nhất mà trẻ phải trực diện đối mặt. Khi không đáp ứng được kỳ vọng này các em sẽ có xu hướng buông xuôi, dễ có những suy nghĩ tiêu cực.
Thêm nữa, cha mẹ ngày nay thường đánh giá không đúng khả năng của con trẻ, họ đặt kỳ vọng cao hơn nhiều so với năng lực, mong muốn của con. Trẻ gặp thất bại không hẳn vì các em kém mà do phải chạy theo những mục tiêu quá cao, không phù hợp với mình.
Chương trình học nặng, học trò phải đối mặt với bệnh thành tích ở trường học nhưng không nỗi sợ nào với con trẻ lớn hơn sự kỳ vọng của chính bố mẹ. Ánh mắt buồn bã, tiếng thở dài thất vọng từ của bố mẹ đủ sức mạnh “giết” con trẻ hơn bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.
Hoài Nam (Theo Dân Trí)