Cánh cửa việc làm đang mở rộng với sinh viên ngành văn hóa - du lịch

Cập nhật ngày: 11/08/2016 05:56:57

Tiếp sau kỳ thi THPT Quốc gia, việc chọn trường, chọn ngành đại học, cao đẳng là vấn đề được đa số phụ huynh và học sinh quan tâm. Sự lựa chọn phù hợp sẽ mang đến cả một tương lai với cơ hội việc làm tốt. Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia tư vấn, trong nhiều năm tới, cánh cửa việc làm sẽ mở rộng đối với sinh viên ngành Văn hóa - Du lịch (Việt Nam học).

Thời cơ lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 5.552.635 lượt, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính đến năm 2020, nước ta sẽ đón 11 - 12 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 45 - 48 triệu khách nội địa, doanh thu du lịch sẽ đạt từ 18 - 19 tỷ USD, tạo ra hơn 3 triệu cơ hội việc làm cho người lao động. Theo nguồn số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, cả nước có hơn 7.000 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động và nhu cầu mỗi năm của ngành cần trên 40.000 lao động, nhưng số lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ đáp ứng khoảng 60%. Chính vì thế, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành du lịch có xu hướng tăng, khi các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai các chương trình, đề án kích cầu du lịch và xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng.


Sinh viên ngành Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ học thực hành nghề

Với sự phát triển nhanh và mạnh, nhóm ngành du lịch đang trở thành những ngành tuyển dụng nhân sự nhiều nhất trong các năm qua, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ thích trải nghiệm và năng động. Nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp du lịch đều có xu hướng tuyển dụng ứng viên dựa vào kỹ năng chuyên môn, tác phong, ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tiễn, mở ra cơ hội mới cho giới trẻ đam mê hoạt động du lịch được làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.

Người công tác trong ngành du lịch có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tiếp tục học tập, rèn luyện kỹ năng và kiến thức; có cơ hội giao lưu với những người bạn đến từ nhiều nước khác nhau; khám phá nhiều vùng đất mới, tiếp cận với những nền văn hóa độc đáo và khám phá kho tàng văn hóa nhân loại. Mỗi cá nhân làm du lịch, đồng thời cũng là một sứ giả văn hóa, góp phần giới thiệu các giá trị truyền thống, danh thắng của đất nước với bạn bè quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp cho biết: “Kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên ngành Văn hóa du lịch sau 6 tháng tốt nghiệp trên 80% có việc làm, đặc biệt là có nhiều sinh viên nhận được lời đề nghị làm việc tại các doanh nghiệp khi đang còn học tập tại trường. Điều đó góp phần giúp cho sinh viên có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế và có thêm thu nhập để trang trải việc học tập”.

Sinh viên vừa học, vừa có thêm thu nhập

Từ ngày 1/8/2016, Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp chính thức là thành viên của Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đồng thời là đơn vị đi tiên phong trong đổi mới, hội nhập, sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khoa Văn hóa - Du lịch đã tập trung quan tâm đầu tư phát triển chương trình đào tạo các ngành theo hướng tích hợp kiến thức nghiệp vụ, hướng tới kỹ năng du lịch, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Khoa chủ động ký kết, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý Nhà nước tham gia giảng dạy cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên hình thành kỹ năng: thuyết minh điểm du lịch, lữ hành, nhà hàng và khách sạn,... Trong thời gian học tập, sinh viên có nhiều cơ hội được tham gia vào các hoạt động thực hành, thực tập, làm thêm tại doanh nghiệp du lịch. Sinh viên có thể tham gia làm cộng tác viên tại Trung tâm Phát triển Du lịch - Văn hóa MêKông (một đơn vị trực thuộc Trường Đại học Đồng Tháp). Tại đây, sinh viên có điều kiện vừa học tập, vừa tạo thêm thu nhập và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ; trải nghiệm thực tế để sinh viên tự tin, chuyên nghiệp và sáng giá khi tốt nghiệp.

Nhà giáo ưu tú, PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Hoạt động của Trung tâm Phát triển Du lịch - Văn hóa MêKông, Trường Đại học Đồng Tháp sẽ tạo ra cơ hội trải nghiệm, thực hành nghề và chắp cánh khát vọng khởi nghiệp dành cho sinh viên, trước hết là sinh viên các ngành Văn hóa du lịch, Quản lý văn hóa, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công tác xã hội... Đồng thời, đây cũng là việc làm cụ thể để đồng hành và tham gia tích cực vào các đề án, chương trình hành động lớn của tỉnh Đồng Tháp. Các phần việc hữu ích mà Trung tâm triển khai còn có ý nghĩa góp phần hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng trong tương lai”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cộng đồng kinh tế ASEAN, nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp phục vụ hội nhập là rất lớn, mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Việc lựa chọn học ngành Văn hóa - Du lịch (Việt Nam học) là một sự lựa chọn phù hợp với xu thế việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội trong điều kiện hiện tại và những năm tiếp theo.

MINH TÙNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn