Chương trình bồi dưỡng tiếng Anh tăng cường đạt chuẩn B1, B2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu

Cập nhật ngày: 25/09/2013 06:34:11

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) được ban hành theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tổng quát: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.


Một hoạt động rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh với sự hỗ trợ
của các tình nguyện viên quốc tế SJV

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã quyết định lựa chọn Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu (gọi tắt là CEF) định hướng cho quá trình dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam. Đề án cũng đã quy định các cấp độ ngoại ngữ phải đạt được ở từng bậc đào tạo từ tiểu học cho đến sau đại học gồm có 6 bậc từ thấp đến cao: A1 (bậc 1), A2 (bậc 2), B1 (bậc 3), B2 (bậc 4), C1 (bậc 5), C2 (bậc 6).

Tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ năm 2011, Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang triển khai có hiệu quả cao kế hoạch bồi dưỡng và nâng cao năng lực tiếng Anh cho các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Đồng thời, trong các năm qua, nhà trường tham gia đào tạo và bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa cho giáo viên tiếng Anh từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học ở các tỉnh với số lượng khoảng 1.800 giáo viên. Chương trình bồi dưỡng tiếng Anh tăng cường đạt chuẩn B1 (tối thiểu 4.5 theo hệ thống đánh giá IELTS), B2 (tối thiểu 5.5 theo hệ thống đánh giá IELTS) được Trường Đại học Đồng Tháp biên soạn nhằm giúp sinh viên, học viên, giáo viên ở cấp độ A2 đạt chuẩn B1 và sinh viên, học viên, giáo viên cấp độ B1 đạt chuẩn B2.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng kiêm Trưởng ban Quản lý đề án Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của trường cho biết: Chương trình và mô hình đào tạo bồi dưỡng tăng cường năng lực tiếng Anh cho giáo viên phổ thông của trường đang triển khai phù hợp với tính đặc thù và tính chuyên biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long vì các lý do sau: Nhiều giáo viên (GV) được đào tạo chuyển đổi từ GV tiếng Nga, tiếng Pháp sang dạy tiếng Anh; hầu hết đội ngũ GV được chuẩn hóa từ trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh, nay phải đảm nhiệm dạy chương trình các lớp trung học phổ thông; môi trường dạy và học tiếng Anh chưa có nhiều thuận lợi do điều kiện kinh tế của vùng còn nhiều khó khăn; tỉ lệ GV tiếng Anh trong vùng đạt chuẩn theo yêu cầu của Đề án còn thấp. Nhà trường đã tổ chức hội thảo khoa học để tham vấn ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia, các nhà khoa học, các trường đại học, cao đẳng, các Sở Giáo dục và Đào tạo, GV dạy tiếng Anh phổ thông trong vùng về chương trình và mô hình đào tạo khai thác tối đa sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và phần mềm, hướng đến hình thức đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa. Chương trình đào tạo và bồi dưỡng này được triển khai chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, là con đường ngắn nhất nhằm sớm đạt được mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và cải thiện phương thức bồi dưỡng GV tiếng Anh phù hợp với bối cảnh mới.

Nguyễn Trần Diệu Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn