Chuyển biến trong hoạt động dạy thêm, học thêm

Cập nhật ngày: 14/12/2012 11:36:41

Có thể nói Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND về dạy thêm, học thêm (DTHT) được xem là bước ngoặc lớn đối với hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh. Từ những xáo trộn bước đầu, sau 3 tháng hoạt động này đã có chuyển biến tích cực tại từng địa phương, đơn vị trường, giáo viên (GV). Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến tháng 11/2012, toàn tỉnh có 60 cơ sở được cấp phép DTHT. Hiện tại, việc xin phép, thẩm định, cấp phép được nhiều GV tiếp tục thực hiện.


HS Trường THPT Hồng Ngự 1 trong giờ học thêm

Dạy thêm phải có phép

Tại thị xã SaĐéc, kể từ ngày 1/12/2012, tức thời điểm Quyết định 33 quy định về DTHT có hiệu lực, hoạt động DTHT trở nên trầm lắng. Do không muốn ảnh hưởng đến uy tín bản thân và nhà trường, các GV dạy thêm tuân thủ nghiêm ngặt Quy định 33 của UBND tỉnh như: viết đơn đăng ký dạy thêm, cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhà trường phân công. Các GV muốn mở cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để được cấp phép tổ chức DTHT như: trang bị bàn ghế, bảng học, hệ thống chiếu sáng, xây nhà vệ sinh... Đến nay, trên địa bàn thị xã SaĐéc có 5 cá nhân được Sở GD-ĐT Đồng Tháp cấp phép tổ chức hoạt động DTHT ở cấp THPT.

Đối với cấp THCS, ông Nguyễn Thiên Tân – Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã SaĐéc cho hay: “Hiện Phòng GD-ĐT thị xã nhận được 3 hồ sơ xin cấp phép tổ chức DTHT. Phòng đã tổ chức thẩm định để cấp phép được 2 hồ sơ, 1 hồ sơ còn lại sẽ tiếp tục thẩm định để cấp phép. Nhìn chung, qua thẩm định, các cơ sở đều thiếu một số tiêu chuẩn trong quy định như: bàn ghế trang bị chưa đúng quy cách, thiếu ánh sáng, la phong bị hư hỏng... Hiện chúng tôi đang tiếp tục nhận hồ sơ xin tổ chức DTHT của các cá nhân gửi đến”.

Ở thị xã Hồng Ngự từ khi có Quyết định số 33 của UBND tỉnh và công văn số 170 về việc DTHT, tình hình DTHT ngoài nhà trường đã được thực hiện nghiêm túc. Theo thầy Chung Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 1, trước đây có một số GV của trường dạy thêm bên ngoài nhưng từ khi có quy định mới về DTHT, các GV nhà trường đã thực hiện nghiêm túc.

Tại Trường THPT Hồng Ngự 1 (thị xã Hồng Ngự), hoạt động DTHT trong nhà trường vẫn diễn ra bình thường. Thầy Nguyễn Văn Y - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường có gần 1.300 học sinh (HS), trong đó có 600 HS chia làm 72 nhóm đang học thêm tập trung ở các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Anh văn và Ngữ văn, chủ yếu học tập trung buổi sáng hoặc buổi chiều. Tất cả GV và HS đều thực hiện theo đúng quy định như: thực hiện việc đăng ký dạy thêm; nội dung, kế hoạch dạy thêm; việc thu, chi DTHT;...

Theo thầy Nguyễn Văn Y, sau khi có hướng dẫn thực hiện quy định dạy thêm, học thêm của Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng như Quyết định số 33 của UBND tỉnh về DTHT, Ban Giám hiệu nhà trường có đồng ý 1 trường hợp GV tham gia dạy thêm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hồng Ngự, các GV còn lại hiện chưa được cho phép tổ chức dạy thêm. Thầy Nguyễn Tất Thắng - GV về hưu từng dạy thêm bộ môn Anh văn cho biết: Trước đây tôi có tổ chức dạy thêm cho các em HS, từ khi có quy định về DTHT, tôi đã ngưng dạy, hiện đang làm hồ sơ xin được tổ chức dạy thêm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Tại thành phố Cao Lãnh, hiện tại Phòng Giáo dục thường xuyên và Chuyên nghiệp, Thanh tra Sở GD&ĐT đang thực hiện việc thẩm định hồ sơ theo thủ tục. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, một số cơ sở DTHT do chưa nghiên cứu kỹ văn bản đã “lách” các quy định về DTHT. Đối với những trường hợp này, cán bộ nhân viên của Phòng Giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp, Thanh tra Sở GD&ĐT đã tiếp nhận hồ sơ của GV xin thành lập cơ sở DTHT, đồng thời đi khảo sát thực tế, thẩm định hồ sơ của GV từ đó có cơ sở để thực hiện việc cấp phép.


Đoàn kiểm tra, thẩm định hồ sơ DTHT tại cơ sở DTHT
thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh

Ngày 10/12/2012, Đoàn thanh tra đã đến khảo sát hồ sơ tại cơ sở dạy thêm của ông T.V.Đ phát hiện một số vấn đề chưa đúng thủ tục theo quy định, bởi bản thân ông Đ. đang sống tại thành phố Cao Lãnh nhưng lại đứng tên cho một cơ sở DTHT tại thị trấn Mỹ An (Tháp Mười). Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và hướng dẫn ông Đ. bổ sung sớm các thủ tục cần thiết để được cấp phép theo quy định.

Theo Phòng Thanh tra Sở GD&ĐT, trong số các hồ sơ được gửi cấp phép có đến 1/3 hồ sơ có dấu hiệu nhờ người khác đứng tên cơ sở. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thẩm định, các trường hợp thực hiện không đúng quy định đều được cán bộ Phòng Giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp yêu cầu làm lại cho đúng thủ tục cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình làm hồ sơ xin cấp phép DTHT một số GV còn cho rằng do còn thiếu thông tin về các quy định DTHT nên dẫn đến việc làm sai, hoặc thiếu sót các thủ tục...

Một sai phạm khác của chủ cơ sở dạy thêm đối với cấp THPT là việc GV trực tiếp đứng lớp bị nhầm lẫn giữa việc DTHT chương trình chính khóa và dạy luyện thi đại học. Do nhu cầu của HS, nên giáo viên thường đảm nhiệm luôn việc ôn thi đại học. Tuy nhiên, theo Quy định 33, giáo viên không được dạy trước chương trình trong khi HS chưa hoàn thành chương trình chuẩn THPT, hoạt động dạy và học thêm chỉ có thể ở hình thức nâng cao chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT, không được thực hiện theo hình thức luyện thi đại học, cao đẳng.

Sau khi Quyết định 33 về DTHT chính thức có hiệu lực, hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực như: các cơ sở chưa được cấp phép đã tạm ngưng hoạt động để hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết; một số trường tận dụng cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho GV dạy thêm vào các giờ trái buổi. Đáng chú ý là một vài GV cũng đã đầu tư cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại theo đúng quy định.

Cô Nguyễn Thị Hồng Sang - GV môn Lý, Trường THPT Trần Quốc Toản đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất như lót gạch, gắn đèn, máy quạt và máy lạnh. Cô Sang cho biết: “Hiện tôi đang làm thủ tục xin cấp phép. Tôi nghiên cứu Quy định 33 nên mạnh dạn đầu tư phòng học khang trang, sạch đẹp, đúng chuẩn phục vụ cho việc giảng dạy. Nơi tôi dạy thêm có máy lạnh, cửa cách âm, bàn ghế đúng chuẩn, ánh sáng đầy đủ..., Tôi nghĩ quyết định này, cá nhân tôi có thể thực hiện được...”.

Mặc dù vẫn còn một số vướng mắc, nhưng Sở GD&ĐT, các phòng trực thuộc Sở vẫn tiếp tục thẩm định hồ sơ và cấp phép trong vòng 15 ngày. Bên cạnh đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu nghi ngờ, nội dung kiểm tra gồm hồ sơ cấp phép, danh sách người dạy thêm, người học thêm, giáo án dạy thêm..., nếu cơ sở dạy thêm không đúng quy định sẽ nhắc nhở, thu hồi giấy phép dạy thêm và bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn