Đảm bảo hoạt động giảng dạy trực tiếp cho học sinh các ngành học, cấp học

Cập nhật ngày: 08/04/2022 11:47:08

ĐTO - Với sự quan tâm của UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, đến ngày 5/4, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã duy trì ổn định sỉ số học sinh (HS) đối với các ngành học, cấp học bằng hình thức học trực tiếp. Các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp tại các điểm trường cũng đã khôi phục.

>> Tăng cường hoạt động hỗ trợ đối với các trường hợp học sinh nhiễm Covid-19


Giáo viên, học sinh tham gia dạy và học trực tiếp đạt tỷ lệ cao

Theo đó, tỷ lệ HS, học viên phổ thông và giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp bình quân 95%. Nhiều đơn vị trường có các giải pháp tuyên truyền, vận động tạo được sự đồng thuận của phụ huynh HS và cộng đồng, chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, đảm bảo an toàn cho HS. Sau thời gian học trực tiếp, các giáo viên và HS đảm bảo việc dạy và học theo nội dung, thời gian chương trình. Ngoài ra, các đơn vị trường trong toàn tỉnh cũng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, thể dục thể thao học đường phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với HS phổ thông, HS nhiễm Covid-19 (F0) sẽ được tham gia học trực tuyến hoặc giáo viên giao nhiệm vụ học tập; đối với trẻ mầm non, mẫu giáo cũng được vận động trở lại trường, tỷ lệ trẻ thuộc ngành học mẫu giáo, mầm non trở lại trường đạt trên 50%.

Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đến tháng 4/2022, 100% các đơn vị trường trong tỉnh đều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, báo cáo và thực hiện các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần thuận lợi cho việc cập nhật các nội dung chương trình GDPT 2018. Sở GD&ĐT và phòng chuyên môn trực thuộc Sở GD&ĐT còn tổ chức các hoạt động chuyên môn theo chương trình GDPT 2018 như thao giảng, hội thảo, bài dạy mẫu các môn học tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 cho học sinh khối lớp 7, lớp 10 đối với các môn học, trong đó đối với môn tiếng Anh, Sở GD&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành có lộ trình đầu tư, hoàn thiện các phòng chức năng, phụ trợ giảng dạy ngoại ngữ. Đến nay, toàn tỉnh có 191 trường đã được đầu tư các thiết bị cho phòng học ngoại ngữ. Trong đó, đối với cấp Tiểu học có 89 trường, cấp THCS có 59 trường, cấp THPT có 43 trường. Phòng chuyên môn trực thuộc Sở GD&ĐT đã thực hiện rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ tổ chức dạy học ngoại ngữ ở các trường Tiểu học và THCS còn lại trên địa bàn tỉnh để tiếp tục tham mưu đầu tư thiết bị dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2025.

Chủ động các hoạt động dạy, học và kết thúc năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho HS và phòng, chống dịch Covid-19. Tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm; ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và kỹ năng cơ bản cho học sinh, học viên lớp 12 để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT theo lịch thi của Bộ GD&ĐT. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu; chuẩn bị cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển Giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hoàn thành các công trình trường học để đảm bảo dạy và học trong năm học mới và đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; sớm triển khai thực hiện việc rà soát, điều chuyển, tuyển dụng cán bộ quản lý và giáo viên. Tăng cường tuyên truyền đến người dân, phụ huynh HS các chủ trương mới của Bộ GD&ĐT, hình thức kiểm định chất lượng giáo dục đối với HS khối lớp 10, lớp 10 chuyên năm học 2022-2023...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn