Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho hệ giáo dục thường xuyên
Cập nhật ngày: 11/06/2012 14:27:38
Thời gian qua, một số trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) đã duy trì giảng dạy bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS đưa tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi đạt 98,8%. Cùng với những thuận lợi, hệ GDTX vẫn còn gặp những khó khăn, để đầu tư cho hệ giáo dục này UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có lộ trình thực hiện trong giai đoạn từ 2011-2015.
Hoạt động liên kết đào tạo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên
- Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh
Một trong những khó khăn chủ yếu tại các Trung tâm GDTX là cơ sở vật chất, một số địa phương hiện còn sinh hoạt nhờ tại các phòng học của các trường Tiểu học, THCS, THPT; thiết bị đồ dùng dạy học chưa được đầu tư trang bị làm ảnh hưởng đến việc thu hút học viên vào học tại trung tâm. Ngoài ra, các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, liên kết đào tạo tại các Trung tâm cũng chưa được đầu tư, phát triển đúng tầm. Tỉnh chưa có Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học đúng thực chất để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng cho cán bộ, nhân dân, sinh viên, học sinh khi có nhu cầu nâng cao trình độ tin học văn phòng, trình độ ngoại ngữ A, B...
Để củng cố, phát triển GDTX theo nhu cầu xã hội, giai đoạn 2011-2015, tỉnh tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện, tăng cường chất lượng đào tạo; tạo môi trường thuận lợi để các Trung tâm GDTX thực hiện có hiệu quả chất lượng đào tạo, tham gia thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS; đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đối với hệ bổ túc văn hóa tại các Trung tâm.
Một số chỉ tiêu cụ thể như: đưa tỷ lệ học viên bỏ học dưới 15%, học viên lên lớp đạt 80% trở lên, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt 80% trở lên. Thành lập Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học ứng dụng tại thành phố Cao Lãnh và 2 thị xã để đáp ứng như cầu học tập của cán bộ, nhân dân, sinh viên; phấn đấu xây dựng 2 Trung tâm GDTX đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí của Bộ). Nâng hạng Trung tâm GDTX-KTHN tỉnh từ hạng 5 lên hạng 4; 2 Trung tâm GDTX huyện, thị, xếp hạng từ hạng 7 lên hạng 6 theo chuẩn xếp hạng của Trung tâm GDTX. Đầu tư kinh phí để mỗi Trung tâm GDTX có 2 phòng máy vi tính thực hành kết nối Internet phục vụ cho công tác quản lý, dạy học. Có 100% Trung tâm GDTX ứng dụng phần mềm trong việc quản lý nhân sự, điểm số, sắp xếp thời khóa biểu...
Các Trung tâm GDTX dự kiến được đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2015 gồm: Trung tâm GDTX-KTHN tỉnh, Trung tâm GDTX thị xã SaĐéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Tân Hồng với các hạng mục gồm: công trình chính (phòng học, phòng chức năng), đầu tư trang thiết bị, hàng rào, sân đan, nhà bảo vệ...
Song song với việc trang bị cơ sở vật chất, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cũng được thực hiện qua việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cải tiến, nâng cao chất lượng hội thảo, thao giảng cho cán bộ quản lý, giáo viên; điều chỉnh nội dung chương trình giảng dạy phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông kết hợp với công tác thanh, kiểm tra thường xuyên; tiếp tục phát triển việc giảng dạy tin học chính khóa, ứng dụng ở các Trung tâm... Kế hoạch phát triển GDTX tỉnh giai đoạn 2011-2015 hứa hẹn sẽ mang lại những bước thay đổi cho các Trung tâm GDTX trong tỉnh.
C.P