Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục
Cập nhật ngày: 01/01/2014 11:04:47
Thấy được những lợi ích và hiệu quả thiết thực mà công nghệ thông tin (CNTT) mang lại trong công tác quản lý và giảng dạy, vài năm trở lại đây, ngành giáo dục Đồng Tháp đã tích cực đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của ngành, đặc biệt là hoạt động giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, do trang thiết bị: máy tính, máy chiếu,... và trình độ tin học của giáo viên (GV) không đồng đều nên việc triển khai thực hiện chưa được rộng khắp.
Phòng thực hành tin học của Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng CNTT - thiết bị - thư viện (Sở Giáo dục và Đào tạo), hiện toàn tỉnh có 100% học sinh (HS) THPT được học môn tin học chính khóa, khoảng 50% HS THCS và 5% HS Tiểu học học môn tin học là môn tự chọn. Bên cạnh đó, một số GV ở các đơn vị trường đã ứng dụng CNTT vào các môn học tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Hiệu quả ứng dụng CNTT là chất lượng giáo dục tăng lên cả về mặt lý thuyết và thực hành, trợ giúp rất nhiều cho GV và HS trong quá trình truyền đạt và lĩnh hội kiến thức.
Không chỉ triển khai ứng dụng CNTT trong giảng dạy mà công tác quản lý giáo dục cũng được trú trọng. Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã mở website cho 11 Phòng Giáo dục và Đào tạo và trên 50% trường THPT trên địa bàn tỉnh. Website tích hợp hệ thống các phần mềm như: Quản lý và điều hành văn bản trực tuyến; quản lý học sinh, kết quả học tập; quản lý cán bộ, giáo viên, thông tin hoạt động của trường, thời khóa biểu, tài liệu chia sẻ để phục vụ học tập.
Ngoài ra, các đơn vị trường học có bố trí sắp xếp máy tính đều được kết nối Internet thuận tiện cho cán bộ, GV, HS khai thác, trao đổi thông tin trên mạng. Từ đó, nâng cao nhận thức và phục vụ công tác dạy và học, tạo điều kiện tốt nhất cho GV các bộ môn sử dụng phương tiện kỹ thuật số, phần mềm máy tính hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy và học tập. Thầy Trần Minh Luân - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu cho biết: “Hiện trường 112 máy tính được bố trí ở thư viện, văn phòng, các tổ chuyên môn, phòng thực hành máy tính, có 3 phòng thực hành lý, hóa, sinh gắn máy chiếu và 3 máy chiếu cơ động để phục vụ việc lên lớp của GV. Ngoài ra các thầy, cô giáo còn tự trang bị máy tính xách tay để tiện làm việc. Nhờ sử dụng các phần mềm, việc xếp thời khóa biểu, soạn giáo án điện tử, quản lý điểm,... được thực hiện hiệu quả và khoa học”.
CNTT đã thật sự ảnh hưởng sâu sắc tới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy học. Nhờ đó, học sinh hứng thú hơn trong học tập và chủ động tìm hiểu tri thức thông tin. Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tăng cường kinh phí đầu tư, nâng cấp hạ tầng về CNTT cho các đơn vị, đảm bảo công tác quản lý, dạy học. Đồng thời ngành cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm sử dụng phần mềm cho cán bộ, GV, đáp ứng yêu cầu dạy học, hướng đến công nghệ hóa nền giáo dục tỉnh nhà.
Bích Liễu