Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014:

Dự kiến có từ 3 đến 4 mức điểm xét tuyển thay thế điểm sàn

Cập nhật ngày: 30/04/2014 10:08:10

Dự thảo phương án xét tuyển cho các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong kỳ tuyển sinh 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã được công bố vào ngày 18/4/2014 và đang tiếp tục xin ý kiến góp ý, phản biện rộng rãi trong xã hội. Theo đó, dự kiến năm nay các trường xét tuyển theo kỳ thi chung sẽ có tối đa 4 mức điểm xét tuyển (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, thay thế cho điểm sàn.


Thí sinh nộp hồ sơ dự thi đại học tra cứu những thông tin mới
về tuyển sinh tại Văn phòng Ban Tư vấn sinh viên

Theo dự thảo này, các trường có Đề án tự chủ tuyển sinh riêng đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt thì tổ chức xét tuyển theo các quy định tại Đề án tuyển sinh riêng của trường. Với các trường xét tuyển theo kỳ thi chung, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ.

Đối với các trường, ngành không qui định môn thi chính, nhà trường xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường, hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH (đối với các trường ĐH) hoặc mức xét tuyển cơ bản vào CĐ (đối với các trường CĐ) mà Bộ đã công bố. Các trường, ngành đã công bố môn thi chính, nhà trường xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.

Mục đích của quy định xét tuyển này là góp phần tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh; từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục ĐH; các thí sinh sẽ phát huy được thế mạnh ở các môn sở trường để tự tin thi và theo học các ngành đang có nhu cầu xã hội cao. Việc công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường ĐH, CĐ, thay thế cho điểm sàn, còn có ý nghĩa đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục ĐH.

Quy định xét tuyển này khác quy định về điểm sàn trước đây là phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỉ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức phù hợp. Quy định mới này là phương án hợp lý trong thời điểm hiện nay, khắc phục được những vướng mắc của mùa tuyển sinh trước; vừa đảm bảo điều kiện chất lượng đầu vào, phát huy quyền tự chủ của các trường, quan trọng hơn là thí sinh sẽ chọn được ngành học, trường học phù hợp với sở thích và năng lực.

Nguyễn Văn Nghiêm
(Lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn