Giảm tải trong dạy - học qua internet
Cập nhật ngày: 09/09/2021 06:34:11
ĐTO - Trong 3 lần đổi mới, cải cách giáo dục phổ thông liên tiếp gần đây, vấn đề giảm tải chương trình bao giờ cũng được đặt ra một cách rốt ráo, bởi hiện thực cuộc sống yêu cầu rất gắt gao, bức thiết. Tuy đã được quan tâm hàng đầu và được xử lý không phải không tích cực, song dường như hiệu quả đạt được chưa cao. Bài ca giảm tải lại tiếp tục vang lên ở mọi nơi, mọi lúc... Thậm chí, có những môn, không những không được giảm (hay đã giảm theo cách của người biên soạn) mà còn trĩu nặng hơn, gây nhiều bức xúc, ám ảnh hơn...
Đại dịch Covid - 19 đang bùng phát, nhiều địa phương đã không thể cho phép giáo viên và học sinh đến trường để dạy - học như bình thường. Từ đó, việc dạy - học trực tuyến, online đã nảy sinh nhiều vấn đế cần quan tâm như: tổ chức dạy - học trực tuyến, online như thế nào, nhất là ở những vùng khó khăn, cách trở, thiếu thốn nhiều thứ, trong đó thiếu nhất là trang thiết bị phục vụ dạy - học (mạng internet, máy tính, laptop, smarphone...); trình độ và kỹ năng thực thi dạy - học trực tuyến, online của giáo viên, học sinh như thế nào mới cơ bản đảm bảo tương tác thông suốt; giáo án (thiết kế hay kịch bản dạy - học) của giáo viên trên mạng internet sẽ khác trên lớp ra sao... Và, nổi lên trên tất cả là vấn đề cần giảm tải chương trình sao cho phù hợp với hình thức dạy - học rất mới, rất khó này.
Với tư cách một người đã từng công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, xin mạo muội đề xuất mấy điều sau:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần nghiên cứu và ban hành ngay văn bản quy định “giảm tải chương trình tạm thời” cho tất cả các môn học của các cấp học phổ thông với tiêu chí khả thi nhất, đó là: dung lượng kiến thức, tri thức và kỹ năng giáo dục rút lại còn khoảng 60 - 70% là vừa sức, là lý tưởng nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 đang hoành hành và phương thức dạy - học trực tuyến, online của nhiều địa phương sẽ là chủ yếu như hiện nay. Giảm tải chương trình như trên là một trong những giải pháp phù hợp, tương thích và nhanh nhạy nhất, hầu bắt kịp với quy trình dạy - học trực tuyến, online. Rõ ràng, không thể đưa lên tất cả những gì mà dạy - học trực tiếp trên lớp đã làm và làm được vào dạy - học qua mạng internet! Có ít nhất 2 hình thức giảm tải: 1. Bỏ bớt một số nội dung (bài), xét thấy chưa cần thíết, nếu thiếu nó, học sinh cũng không cảm thấy quá thiếu hụt, mất mát. 2. Rút bớt dung lượng kiến thức, tri thức, kỹ năng... trong một số bài cụ thể nào đó. Cách nào thì cũng cần căn cứ theo tỷ lệ đề xuất ở trên để thực hiện. Để làm được điều này, bộ phận chuyên môn của Bộ GD&ĐT trực tiếp đứng ra thực hiện, cùng sự giúp sức của một số chuyên gia đầu ngành với tư cách thành viên hoặc cố vấn.
Thứ hai, khi Bộ GD&ĐT chưa kịp ban hành một quy định như đề xuất trên thì các Sở GD&ĐT của từng tỉnh, thành, tùy theo tình hình cụ thể của địa phương mình, ngay trong học kỳ 1, chủ động và cần thiết đưa ra một quy định giảm tải tạm thời theo cách trên. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên, giúp giáo viên chủ động và có cơ sở để từng bước soạn giáo án (thiết kế hay kịch bản dạy - học) qua mạng internet một cách tốt nhất có thể. Đương nhiên thực hiện việc này cũng là chuyên viên chỉ đạo bộ môn của Sở cộng với những giáo viên giỏi được mời.
Thứ ba, khi Bộ và Sở (kể thêm cả Phòng và tổ chuyên môn từng trường) chưa kịp (có lẽ cũng khó!) ban hành những khuyến cáo giảm tải chương trình, thì theo tôi, điều cốt tử lúc này là mỗi giáo viên dạy - học trực tuyến, online phải “tự mình cứu lấy mình”, mạnh dạn, sáng tạo, chủ động hơn nữa để xem xét, chọn lọc, cân nhắc... chọn lấy những nội dung kiến thức, tri thức, kỹ năng quan trọng, súc tích, tối ưu (theo quan niệm riêng mình), qua đó đưa vào giáo án (thiết kế hay kịch bản dạy - học) một cách tốt nhất có thể. Rõ ràng, dạy - học qua mạng internet có rất nhiều cái khó, trong đó khó nhất vẫn là làm sao để có một giáo án (thiết kế hay kịch bản dạy - học) chỉ diễn ra trong một khung thời gian như dạy - học trên lớp (khi sự tương tác của thầy và trò diễn ra bằng phương thức giao tiếp trực tiếp, có những điều gửi gắm và lĩnh hội không chỉ bằng lời nói), vẫn đảm bảo đạt được hiệu quả mong muốn. Dạy - học trực tuyến, online trong đại dịch là phải chấp nhận những trục trặc chắc chắn sẽ diễn ra như: rớt mạng toàn bộ hay rớt mạng từng máy của học sinh, nhóm học sinh; rớt mạng trong thời gian liên tục, lâu hay rớt mạng từng lúc; chất lượng đường truyền và hình ảnh không ổn định, thậm chí chỉ có hình mà không có tiếng hoặc ngược lại... Điều thấy rõ trước tiên, đó là sự ngỡ ngàng, mới mẻ và đương nhiên là sẽ lúng túng của người dạy cũng như người học, khi hầu hết đều là lần đầu tiên tham gia hình thức dạy - học này. Chính vì vậy mà việc chuyển tải nội dung cần rút lại, chọn những gì cốt lõi, tinh túy nhất để đưa vào nội dung một tiết dạy - học trực tuyến, online là cực kỳ quan trọng đối với giáo viên. Đòi hỏi mỗi giáo viên phải có sự đầu tư tâm sức rất cao về chuyên môn, về phương pháp, về kỹ năng sử dụng các phương tiện nghe, nhìn qua mạng internet... Sự đầu tư, cố gắng này còn vượt bậc đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 - những lớp dạy - học theo chương trình cải cách mới.
Trên thực tế những năm qua, thao tác giảm tải chương trình và nội dung dạy - học, dù không hoặc ít được quy định thành văn bản thì ít nhiều giáo viên cũng đã tự mình thực hiện một cách sáng tạo trong khuôn khổ cho phép. Bởi chính họ nhận ra, nếu không làm như vậy thì không thể kham hết chương trình và không thể hoàn thành được nhiệm vụ “trồng người” cao cả. Kỳ diệu và đáng trân trọng biết bao!
Đại dịch và dạy - học trực tuyến, online càng cần điều đó ở từng “kỹ sư tâm hồn”.
TAO ĐÀN