Hiệu quả công tác đổi mới các hoạt động thư viện trong trường học

Cập nhật ngày: 05/05/2022 09:40:19

ĐTO - Từ năm 2019 đến nay, hoạt động thư viện (TV) trường học tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố quan tâm, chú trọng đổi mới, với nhiều hoạt động cụ thể như: nâng cấp cơ sở vật chất, xã hội hóa công tác bổ sung nguồn sách, kết nối với các tổ chức phi chính phủ... Qua đó, góp phần hỗ trợ các đơn vị trường nâng cao năng lực quản lý TV trường học, phát triển thói quen đọc sách của học sinh (HS) cấp Tiểu học, THCS, THPT.


Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Phú Hựu (huyện Châu Thành) tham gia tiết đọc thư viện theo hướng dẫn của Tổ chức Room to Read tại Việt Nam

Chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống TV trường học, mỗi năm học, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đều cử nhân viên TV tham gia các lớp tập huấn về công tác TV do Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan tổ chức. Ban giám hiệu các trường còn chủ động kết nối với các ngành, cập nhật thường xuyên các đầu sách tham khảo, tài liệu để cán bộ, giáo viên (GV) nghiên cứu phục vụ cho hoạt động chuyên môn và các bản sách phục vụ cho HS như sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh và các thể loại sách phục vụ giải trí. Ngoài ra, Ban giám hiệu các đơn vị trường khuyến khích nhân viên TV tổ chức các TV lưu động để HS các đơn vị trường tại địa phương có thể đọc, nghiên cứu các loại ấn phẩm sách, tài liệu, phục vụ nhu cầu học tập, giải trí...

Tại TP Hồng Ngự, hoạt động TV trường học được Ban giám hiệu, nhân viên TV các đơn vị trường Tiểu học, THCS trên địa bàn chú trọng. Qua việc thường xuyên bổ sung, cập nhật số lượng các đầu sách và khuyến khích các nhân viên TV sáng tạo trong việc trình bày, trang trí sách, nhiều TV trường trên địa bàn thành phố, nhân viên TV trình bày, trang trí sách theo chủ đề, chủ điểm, theo ngày lễ kỷ niệm, chào mừng các sự kiện, tạo thu hút, ấn tượng đối với HS. Các hoạt động TV được đổi mới từ nội dung đến hình thức, thu hút HS tham gia đọc sách vào các giờ ra chơi hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa...

Với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, đến nay, 100% các đơn vị trường đều có bố trí phòng đọc, TV, đặc biệt một số đơn vị trường còn tổ chức giới thiệu sách, cuộc thi liên quan đến việc đọc sách dành cho HS các khối lớp trong trường. Trong khuôn viên trường, Ban giám hiệu nhà trường, nhân viên TV còn tổ chức các góc TV thân thiện, TV xanh, góc đọc sách... dành cho HS. Các TV được bố trí ngoài trời, trong khuôn viên trường, dưới bóng cây, có lắp đặt ghế đá, ghế gỗ để HS ngồi đọc, tham gia các trò chơi tìm hiểu về sách... Các hoạt động đã mang đến cho các em HS không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, phong phú ngay trong những buổi đến trường.

Ngoài các hoạt động chuyên môn trong công tác TV trường học, năm 2019, Sở GD&ĐT đã tiếp nhận sự hỗ trợ từ Tổ chức Room to Read (Tổ chức Phi Chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em những vùng khó khăn) tại Việt Nam. Qua khảo sát, Tổ chức Room to Read tại Việt Nam đã hỗ trợ cho tỉnh Đồng Tháp các nội dung toàn phần và bán toàn phần trong công tác tổ chức TV trường học. Với sự hỗ trợ các kỹ năng từ Tổ chức Room to Read tại Việt Nam, nhân viên TV tại một số đơn vị trường trong tỉnh được tập huấn kĩ thuật về quản lí TV. Ngoài ra, GV chủ nhiệm các đơn vị trường cũng được tập huấn về kĩ thuật dạy tiết đọc TV trước khi thực hiện chính thức tại trường. Mỗi năm, nguồn sách được tổ chức trợ cấp, phù hợp với trình độ đọc của học sinh...

Theo Sở GD&ĐT, mỗi năm học, hoạt động TV trường học đều được Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố sơ kết, tổng kết và có các giải pháp cải tiến, hoàn thiện, nâng chất lượng, đảm bảo phục vụ tích cực cho GV, HS trong nhà trường. Các đơn vị trường đã vận hành hệ thống TV theo phương châm “Lấy HS làm trung tâm”. Từ đó, không gian TV trường có nhiều thay đổi rõ nét, TV được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc. Sách được trưng bày trên kệ, được thiết kế và phân loại theo chiều cao, trình độ đọc của HS và được dán theo từng mã màu tương ứng. Sản phẩm trưng bày hoạt động viết, vẽ được duy trì và thay mới. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút HS. Hoạt động TV thực sự trở nên gần gũi, tổ chức thường xuyên, sôi nổi và tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi đối với cha mẹ HS cũng như cán bộ quản lí, GV, nhân viên, HS.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục bổ sung vốn tài liệu và hoàn thiện cơ sở vật chất, dành một khoản đầu tư kinh phí cho TV như là một nội dung hoạt động chuyên môn của nhà trường. GV chủ nhiệm đưa nội dung dạy tiết đọc TV vào nội dung sinh hoạt chuyên môn; tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đọc cho HS thông qua các cuộc giao lưu tìm hiểu về sách, Câu lạc bộ đọc sách... Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện tại địa phương, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố khuyến khích các đơn vị trường nghiên cứu, xem xét tiếp tục nhân rộng mô hình TV thân thiện, TV xanh tại các trường. Các đơn vị trường cử GV, nhân viên TV tham gia tập huấn, hội thảo, tham quan, học tập kinh nghiệm tại các trường và tổ chức, quản lý, vận hành tốt hệ thống TV dành cho HS.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn