Khi học sinh chơi trò bắn súng nhựa

Cập nhật ngày: 12/04/2013 05:51:07

Ngồi uống nước gần Trường THCS Thị trấn Mỹ An, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tôi nghe một chị phụ huynh đưa con vào lớp than: “Lúc này mấy đứa nhỏ đi học mà tôi hồi hộp, sợ bị trúng đạn vô mắt”. 12 giờ trưa, gần vào giờ học buổi chiều, tôi đến trường để xem cũng là kiểm chứng xem lời phụ huynh lo lắng có thật hay không.


Hai khẩu súng nhựa được các em HS mang vào lớp bắn “diễn tập”

Lên lầu, đến cuối dãy phòng học, đập vào mắt tôi là cảnh “diễn tập” bắn súng nhựa của những em học sinh (HS) lớp 7. Thấy tôi, tưởng là giáo viên, một em hoảng hốt la lên: “Cô tới, cô tới, cất súng vô”. Cả nhóm 5 em liền giấu súng vào bụng, vào hộc bàn. Khi thấy tôi không phải cô giáo, vài phút sau các em lại tiếp tục lấy súng ra và chơi trò bắn vào chai nhựa. Trong lớp các em HS nam, nữ ngồi xen kẻ nhau, trong khi các em nữ lấy đèn pin laser chiếu ánh sáng màu xanh thì các em HS nam lấy súng ra biểu diễn (súng nhựa màu xanh có những viên đạn nhựa đủ màu sắc).

Các em để một dãy chai nhựa trên dãy bàn cuối và đứng từ xa kéo cò, bắn lụp bụp vào chai nhựa. Do không gian hẹp, người bắn cũng không chuyên, nên thỉnh thoảng đạn bay chệch hướng. Từ cuối lớp có 1 em HS không biết do đạn lạc hay sợ trúng người mà thỉnh thoảng em lại uốn người né những làn đạn đến từ phía trên. Tôi hỏi: “Sao mấy em đem súng nhựa nhiều vậy? Lỡ bắn trúng bạn thì sao?”. Có lẽ thấy người lạ, một HS nữ trong lớp nhìn tôi với ánh mắt cảnh giác, nói luôn: “Đâu có cô, mấy bạn bắn hay lắm, không có trúng tụi con...”.

Rời lớp học này, chúng tôi ra ngoài sân trường, hỏi một vài học sinh về việc mang súng nhựa vào lớp. Một em nói: “Lớp con giờ là một “binh đoàn” vì các bạn đem súng theo chơi, có hôm bắn trúng một bạn nữ, đau quá, bạn khóc. Súng mua gần đây, đủ loại hết cô ơi...”. Một em HS khác của khối lớp 8 khoe: “Lớp con cũng có bạn mua súng nhựa, giá gần 400.000 đồng, bạn đem vào lớp nên tụi con thấy...”.

Lần dò, tìm nơi mua súng, theo lời một số phụ huynh và các em học sinh thì hầu như ở chợ Tháp Mười, huyện Tháp Mười đa số những người bán đồ chơi không dám bán loại hàng này, nhưng có một điểm bán nằm đối diện với điểm Trường Tiểu học Dương Văn Hòa. Theo lời các em HS, đây là nơi khó thâm nhập, súng được người bán cất kỹ, chỉ bán cho các em HS quen, còn người lớn vào thì không thể nào mua được.

Để tiếp cận, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của một số phụ huynh, HS. Đúng như lời của các em HS đã nói trước đó và theo lời tường thuật của những người hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp, súng được người bán giấu kỹ trong nhà, muốn mua các em phải đi sâu vào bên trong.

Tùy theo chủng loại và tính năng, giá của mỗi cây súng từ 50.000 đồng đến gần 1 triệu đồng/cây. Giá của cây Anaconda ngắm từ 25.000 - 30.000 đồng; khẩu Colt laser có giá 50.000 -90.000 đồng. Cùng với thân súng là các phụ kiện đi kèm như đèn tia laser, nòng giảm thanh, có khóa đạn... Ngoài các loại súng nhựa, còn có loại thân súng làm bằng chất liệu đặc biệt giá từ 350.000 - 400.000 đồng, loại M700 giá 900.000 đồng.


Đạn làm bằng cao su cứng được bán với giá 2.000 đồng/ bọc

Theo lời các em HS, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình mà các em mua các loại súng nhựa vừa túi tiền. Một số có điều kiện kinh tế khá mua loại từ 350.000 đồng đến 400.000 đồng, thậm chí “tậu” súng gần 1 triệu đồng. Một số HS khối lớp 7 cho biết, tiền mua súng nhựa là tiền xin ba mẹ, hoặc tiền để dành. Mỗi cây súng trị giá từ vài chục đến vài trăm ngàn, việc các em tích lũy dành dụm tiền phải mất nhiều ngày.

Việc HS mang súng nhựa vào trường đã có từ một vài tuần nay tại Trường THCS Thị trấn Mỹ An. Hỏi về chủng loại súng, các em tường thuật hết sức mạch lạc và khẳng định, các em giấu diếm để mang súng nhựa vào lớp, chủ yếu là chơi lén lút vì sợ thầy cô phát hiện. Tuy nhiên, việc HS mua súng nhựa và mang vào trường chơi là rất nguy hiểm đối với những em HS khác ngồi trong lớp học vì viên đạn nhựa rất cứng, dễ bắn lạc vào người.

Về phía nhà trường, dù đã cho HS ký cam kết không mang các trò chơi bạo lực vào trường, nhưng có lẽ việc giám sát chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm khắc những HS vi phạm nên chưa đủ tính răn đe đối với các em HS khác, dẫn đến việc sự việc trên vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, các em dùng số tiền lớn mua súng nhựa mang vào trường cũng là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong việc quan tâm, giám sát, quản lý con em trong việc chơi những trò chơi mang tính bạo lực. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em có bán hàng mang tính chất bạo lực của cơ quan chức năng dường như chưa thực hiện thường xuyên.

Hoàng An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn