Kích thích phong trào đọc sách của học sinh từ mô hình “Thư viện di động”
Cập nhật ngày: 10/10/2012 07:37:42
Xuất phát từ thực tế mặt bằng thư viện nhỏ hẹp, ít học sinh vào đọc sách trong thư viện, đầu năm học 2011-2012, Liên Đội trường THCS Hùng Vương, thị xã SaĐéc nghiên cứu thực hiện mô hình “Thư viện di động” nhằm kích thích tinh thần đọc sách của học sinh toàn trường, thông qua đó giáo dục toàn diện, tạo môi trường thân thiện và tích cực trong các em học sinh.
Học sinh trường THCS Hùng Vương đọc sách tại “Thư viện di động”
Cách tiến hành là nhà trường mua các giỏ nhựa dùng để đựng các loại sách báo. Liên Đội trường giao cho Chi Đội các lớp phân công lại thành viên trực nhận sách từ thư viện để vào giỏ mang đến các ghế đá trong sân trường hoặc các dãy hành lang cho học sinh mượn đọc vào những buổi ra chơi các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Thành viên của các Liên Đội trực “Thư viện di động” có nhiệm vụ kiểm kê và thu hồi các sách, báo đã cho mượn nhằm tránh thất thoát.
Cô Trần Nguyễn Nguyệt Thu - Hiệu trưởng trường THCS Hùng Vương, thị xã SaĐéc nhận xét: “Do có diện tích nhỏ hẹp nên học sinh rất ngại đến thư viện đọc sách. Từ khi có mô hình “Thư viện lưu động”, học sinh tham gia đọc sách rất đông. Tôi rất vui”.
Ngoài kích thích phong trào đọc sách, thông qua mô hình “Thư viện di động” nhà trường còn giáo dục cho học sinh biết quý trọng sách vở, tiết kiệm và giữ gìn sách cũ. Từ việc thu hút học sinh tham gia đọc sách vào giờ ra chơi, Trường THCS Hùng Vương cũng hạn chế được tình trạng học sinh tụ tập gây gổ hay chơi những trò chơi mạnh bạo không có ích.
Bên cạnh đó, để làm phong phú thêm các loại sách báo của thư viện phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh được tốt hơn, trường đã tổ chức phong trào tặng sách - báo cũ cho nhà trường. Trong năm học 2011-2012, từ phong trào này, học sinh đã tặng gần 1.100 quyển sách giáo khoa cũ các loại và nhiều loại báo, truyện tranh khác.
Cô Nguyễn Thụy Thoại Yến - Tổng Phụ trách Đội trường THCS Hùng Vương cho biết: “Nhiều học sinh vốn không mê sách lắm nhưng giờ đã tham gia đọc sách nhờ mô hình “Thư viện di động”. Dù đã đạt nhiều kết quả nhưng mô hình cũng đang gặp khó là sách của thư viện quá ít, chỉ hơn 5.000 quyển, sách báo và truyện tranh nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu học sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình này để kích thích phong trào đọc sách trong học sinh”.
Từ mô hình “Thư viện di động” được tổ chức hiệu quả tại trường THCS Hùng Vương, Hội đồng Đội thị xã SaĐéc đã phát động nhân rộng đến một số trường học trên địa bàn.
P.Thuận