Kiến nghị khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa
Cập nhật ngày: 14/08/2023 17:00:24
Từ thực tế giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 14/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Các đại biểu dự phiên họp (Ảnh: DUY LINH)
Đoàn giám sát đánh giá, hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh. Năm học 2020 - 2021, có 5 bộ sách sách giáo khoa lớp 1. Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, có 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều.
Việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thẩm định có tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia sư phạm, giáo viên trực tiếp dạy học ở trường phổ thông.
Nội dung và chất lượng sách giáo khoa các môn học được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đáp ứng yêu cầu, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; cơ bản đáp ứng tinh thần đổi mới theo định hướng chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cụ thể, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.
Chất lượng một số sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng.
Quang cảnh phiên họp chiều 14/8 (Ảnh: DUY LINH)
Một số nội dung chưa cụ thể nên học sinh khó hiểu, khó giải thích vấn đề; chưa phù hợp một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa được đánh giá cao.
Theo Đoàn giám sát, ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót so với quy định của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Việc lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức.
Trong khi đó, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Tình trạng thiếu sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền hà trong việc mua sách giáo khoa theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Đoàn giám sát cũng nêu rõ, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2 - 4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006; gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ thế, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định về thực nghiệm, bảo đảm chất lượng thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; sửa đổi quy định về cung ứng, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa (Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo) theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách.
Đặc biệt, khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.
Theo VĂN TOẢN (NDO)