Lớp học tình thương giữa biển khơi

Cập nhật ngày: 14/02/2014 12:02:47

Hòn Chuối là một đảo nhỏ nằm cách đất liền 17 hải lý, có diện tích 1,4km2, mấy chục năm nay chỉ có vài chục hộ sinh sống. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên nhiều người đến rồi lại đi. Hiện tại, trên hòn có 34 hộ dân với 115 nhân khẩu, một đơn vị Ra đa thuộc vùng 5 hải quân và Đồn Biên phòng 704 (Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau) đứng chân.


Lớp học tình thương ở hòn Chuối của Đồn Biên phòng 704

Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên biển, quanh năm bám biển, tất bật lo toan. Chỗ ở của bà con ngay dưới chân hòn nhưng phải “di trú” thường xuyên theo mùa. Tháng 4 đến tháng 10 chuyển từ gành Nam qua gành Chướng, tháng 10 trở đi lại chuyển về gành Nam. Cuộc sống chật vật nên nhiều gia đình cũng buông xuôi chuyện học hành của con em, không những không biết đến “cái chữ” mà cuộc sống và điều kiện vui chơi của trẻ em nơi đây thiếu thốn rất nhiều so với các bạn đồng trang lứa ở đất liền.

Thương đám trẻ lớn lên mà không biết chữ, Đồn Biên phòng 704 đã lập ra lớp học tình thương và duy trì hơn chục năm nay. Hiện tại, lớp có 21 em theo học, từ lớp 1 đến lớp 5. Thượng úy Trần Bình Phục - Đồn phó Đồn Biên phòng 704 là người trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ mang “cái chữ”, ánh sáng của tri thức truyền đạt cho các em ở đây.

Lớp học tình thương là một căn nhà mái tôn được dựng cuối dãy nhà của dân. Hằng ngày để đến được lớp học các em phải vượt qua 303 bậc thang đường dốc với độ cao hơn 150m, việc đi lại gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên cũng vì thế mà tình cảm thầy trò càng khắn khít sâu đậm hơn. Sau mỗi buổi học thầy Phục thường đưa các em về tận nhà, các trò cũng líu ríu quấn quýt bên thầy như những chú chim nhỏ.

Thầy Phục xúc động tâm sự: “Dù điều kiện học tập ở đây gặp nhiều khó khăn nhưng các cháu rất ngoan và ham học. Đó là động lực để tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều khiến tôi trăn trở nhất là làm thế nào để các cháu có điều kiện học tập ổn định và tốt hơn. Hoàn cảnh của đảo bây giờ để xin biên chế cho giáo viên ra đảo đứng lớp là chuyện không dễ, bởi đây là nơi hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn, cộng với nhiều thiếu thốn khác và điều cần nhất bây giờ là được các cấp quan tâm, đầu tư xây dựng lớp học tại đảo. Hiện lớp học được xây dựng tạm bợ, khi gió lớn không thể đảm bảo an toàn cho các cháu. Đồng thời, tôi cũng mong ngành giáo dục cần có quy định đặc thù trong việc cấp giấy chứng nhận cho các cháu đang theo học tại lớp học tình thương ở đảo, để gia đình thuận tiện khi muốn chuyển các cháu đến các trường có điều kiện học tập tốt hơn”.

Lớp học nhỏ là ngọn lửa giữa biển khơi sưởi ấm lòng bà con và các chiến sĩ ở hòn Chuối. Anh Ngô Hoàng Anh (33 tuổi) một cư dân ở hòn Chuối chia sẻ: “Vợ chồng tôi và bà con ở đây rất mang ơn các anh chiến sĩ ở Đồn Biên phòng 704 đã dạy cho con em chúng tôi được biết chữ, nếu không có các anh chắc giờ này 2 đứa con của tôi vẫn chưa biết đọc, biết viết. Không những thế, để có tập sách, thầy Phục còn vào đất liền vận động các trường học xin về cho các cháu. Năm 2012 vừa rồi, thầy Phục lại vào đất liền vận động 1 trường tặng 25 bộ đồng phục cho mấy đứa nhỏ. Đây là những món quà thật sự có ý nghĩa đối với các cháu nói riêng và phụ huynh chúng tôi nói chung. Tôi mong sao, kinh tế của bà con ở đây được khá giả hơn để các cháu có điều kiện vào đất liền học tập tốt hơn trong tươi lai”.

Rời hòn Chuối nhưng đâu đó vẫn còn âm vang mãi tiếng đọc ê a của các em, những ánh mắt tròn xoe, hồn nhiên chăm chú nghe thầy giáo giảng bài là những hình ảnh thật đẹp còn đọng mãi trong lòng những ai đã một lần ghé thăm lớp học tình thương ở đây.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn