Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Cập nhật ngày: 31/10/2012 05:10:32
Đây là chủ đề trong chương trình “Đồng hành cùng nhân dân” của Đài THĐT, trực tiếp tối 28/10. Báo Đồng Tháp xin lược ghi ý kiến của các diễn giả trong chương trình này.
Chất lượng giáo dục đã tốt hơn
* PCT.UBND tỉnh Trần Thị Thái: Nếu nhận xét về giáo dục, thì nhiều người đánh giá khác nhau. Riêng tôi, trước khi đánh giá, xin nêu ra một số thông tin về giáo dục. Thứ nhất, tỷ lệ huy động học sinh (HS) trong 3 năm gần đây đều năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ HS bỏ học ngày càng giảm. Thứ hai, tỷ lệ HS giỏi, khá ngày càng cao và trung bình, yếu ngày càng giảm. Thứ 3, lần đầu tiên chúng ta tổ chức thi tuyển vào lớp 10 có trên 800 em tổng 3 môn bằng 0 điểm, nhưng năm rồi thi tuyển, con số này giảm chỉ còn trên 170 em.
HS Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu
Điều này đánh giá một phần chất lượng đầu vào cấp THPT được nâng lên. Kế đến là tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước và tỉnh ta có 2 trường chuyên nằm trong tốp 200 trường có điểm thi vào đại học xếp loại cao trong 2.607 trường, như Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu đứng thứ 58/200, Trường Nguyễn Đình Chiểu là 123/200; các em ở vùng sâu đậu vào các trường đại học danh tiếng ngày càng nhiều, có những em đậu 27 điểm và có 1 em đậu thủ khoa 2 trường danh tiếng của toàn quốc. Tôi nghĩ rằng, đó là những cơ sở để kết luận chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, giáo dục vẫn còn nhiều điều băn khoăn, như về cơ sở vật chất. Mỗi năm chúng ta đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, nhưng xét cho cùng, cơ sở vật chất đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Điều này đánh giá qua trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, trường tiểu học học 2 buổi/ngày, trường THCS, THPT đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày cũng còn rất thấp. Đội ngũ giáo viên (GV) mặc dù đạt chuẩn, trên chuẩn nhiều, tỷ lệ GV trên đầu lớp cũng đủ, nhưng vẫn còn một bộ phận GV chưa tâm huyết với nghề, chuyên môn cũng cần trao dồi thêm. Chúng ta cũng có những thành tích trong giáo dục, nhưng mong muốn, kỳ vọng cao hơn thì chưa đạt được, như tỷ lệ HS giỏi quốc gia và quốc tế... Đó là những vấn đề đặt ra để ngành giáo dục phấn đấu.
* Ông Hồ Văn Thống, GĐ.Sở GD&ĐT: Ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp, trong đó có đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo với việc thực hiện 6 kế hoạch. Theo đó, tập trung đẩy mạnh về chất lượng giáo dục, tăng cường vai trò của hiệu trưởng trong tổ chức dạy và học, tăng cường công tác huy động HS, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, học thực chất thi thực chất. Trăn trở nhất là chất lượng giáo dục tiểu học, đạt loại khá, giỏi nhiều nhưng lên THCS đánh giá lại thì tỷ lệ này giảm xuống.
Đây là ngành học mà Bộ GD&ĐT cho là nhẹ nhàng, GV tự đánh giá, nhưng ngành giáo dục cũng sẽ triển khai thi đề chung, chấm chung để đánh giá khách quan. Nâng cao tỷ lệ HS tốt nghiệp, cũng như tăng cường công tác hướng nghiệp cho HS. Xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với nhiệm vụ của mình. Đầu tư cơ sở vật chất giảng dạy, trong đó ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm, trường dạy hai buổi/ngày và đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Phối hợp với các ngành trong việc chăm lo, phát triển giáo dục, xem giáo dục là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt, ngành giáo dục đứng mũi chịu sào và chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
Đưa dạy thêm học thêm vào nề nếp
* PCT.UBND tỉnh Trần Thị Thái: Trước tiên tôi cho rằng dạy thêm học thêm (DTHT) là một nhu cầu và rất cần thiết, vấn đề là DTHT như thế nào cho phù hợp. Quyết định 33 của UBND tỉnh (ban hành ngày 20/9/2012) mà nhiều người hay nói là quyết định cấm DTHT, thật ra vấn đề không phải vậy, mà là quy định việc DTHT như thế nào. Thường học thêm có mấy lý do như: vá lổ hỏng kiến thức dành cho HS có học lực yếu; dạy thêm đối với những em khá giỏi với kỳ vọng thi vào các trường đại học có điểm đậu cao hoặc tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Thực trạng vừa qua, tôi không nói là nhiều, nhưng dứt khoát có tình trạng dạy thêm là dạy trước chương trình.
Điều này dẫn đến mấy việc mà tôi nghĩ là không nên. Thứ nhất, HS sẽ lười suy nghĩ. Thứ hai, nhóm học thêm đó cũng giáo viên đó, đi về nhà học rồi trở vào lớp học thì cũng học những bài đó, nên GV không tận tâm, tận lực dạy. Còn một điều nữa là không phải ai cũng đi học thêm, dẫn đến trường hợp những em không học thêm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn thì các em dễ bị rớt sau các bạn. Cũng có nhiều người phản ánh với tôi, nhưng tôi thì không biết là nhiều hay ít là có tình trạng học sinh không học thêm, thì không muốn cho em đó điểm cao, dù bài làm tốt.
Quy định DTHT là nhằm hạn chế mức thấp nhất tiêu cực trong DTHT, làm sao việc DTHT phù hợp và không ảnh hưởng đến những đối tượng khác và tạo sự công bằng trong giáo dục và đào tạo. Việc hoãn thời gian thực hiện quyết định quy định về DTHT có mấy việc như: hiện nay chúng ta chưa có những lớp Tiểu học dạy hai buổi/ngày nhiều, nên cha mẹ của các HS thường gởi các em cho GV buổi còn lại để đi làm. Chính điều này thời gian ban hành quyết định có hiệu lực ngay, thì phụ huynh, kể cả GV chưa có thời gian chuẩn bị, nên tỉnh cho hoãn thời gian quyết định có hiệu lực đến 1/12/2012, để thuận lợi cho mọi đối tượng.
* Ông Hồ Văn Thống, GĐ.Sở GD&ĐT: Thông tư số 17 của bộ GD&ĐT, có hiệu lực từ 1/7/2012. Khi có thông tư này Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh họp trực tuyến, thông báo rộng rãi trong toàn dân và ra Quyết định 33, chậm thời gian so với Thông tư 17 hơn 2 tháng. Còn nếu tính đến thời gian có hiệu lực của Quyết định 33 của UBND tỉnh thì chậm 5 tháng so với Thông tư 17. Thông tư này có qui định thời hạn cấp giấy phép là 15 ngày, nên từ nay đến ngày 1/12 sẽ cấp phép kịp thời cho tổ chức và cá nhân trong việc DTHT.
Ngành giáo dục và UBND tỉnh đã khẳng định không có chuyện cấm DTHT, việc này diễn ra bình thường và rất cần thiết để bồi dưỡng kiến thức cho HS yếu kém, để nâng học lực của các em lên. Tuy nhiên, có một bộ phận giáo viên do thu nhập cá nhân, bằng mọi cách ép học qua lời nói, thái độ,.. để HS tham gia học thêm. Đây là điều đáng trách. Bên cạnh đó, có những GV dạy thêm, ngoài thu nhập cũng muốn HS có kiến thức cao hơn. Để quản lý DTHT chặt chẽ và đạt hiệu quả, ngành giáo dục tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, GV, công nhân viên; tuyên truyền cho HS, phụ huynh biết được chương trình học bây giờ không nặng nề nữa, đề thi sát chương trình học, nên tỷ lệ đỗ đại học rất cao.
Do đó, ngành không gây nhiều áp lực cho HS, nhưng vì muốn con em mình phải như thế này thế nọ, nên phụ huynh cũng tạo ra áp lực cho các em phải học thêm. Sở GDĐT sẽ kiểm tra việc DTHT hết sức chặt chẽ và công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về DTHT, qua số điện thoại của Giám đốc Sở GD&ĐT: 0913938553 và các kênh khác...
TN