Nâng cao khả năng tiếp cận cơ hội học nghề cho trẻ em, thanh niên ngoài trường

Cập nhật ngày: 21/11/2024 11:01:46

ĐTO - Sáng ngày 21/11, tại TP Cao Lãnh, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị khu vực về Dự án “Thúc đẩy tiếp cận công bằng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em (TE) và thanh niên (TN) ngoài nhà trường tại Việt Nam” (viết tắt là Dự án).

Đến dự có ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Yoon Chang Woo - Chủ tịch Quỹ POSCO 1% Việt Nam; đại diện các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông đến từ Thái Lan, Indonesia; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Đại diện Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp thông tin kết quả triển khai Dự án tại tỉnh Đồng Tháp

Dự án là giai đoạn thứ 3 của tổng Dự án “Thúc đẩy công bằng trong tiếp cận giáo dục cho TE và TN ngoài nhà trường khu vực ASEAN” được UNESCO triển khai từ năm 2018, với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ POSCO 1% (Tập đoàn POSCO Hàn Quốc). Trong đó, giai đoạn 1 tổ chức tại Thái Lan (2018 - 2019); giai đoạn 2 tại Indonesia (2020 - 2022); giai đoạn 3 (2023 - 2024) được triển khai tại Việt Nam với 2 đối tác phối hợp là Trường CĐCĐ Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Qua đó, hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho khoảng 1.500 TE, TN dễ bị tổn thương ở khu vực Đông Nam Á được tiếp cận các cơ hội học tập, giáo dục nghề nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Trường CĐCĐ Đồng Tháp phối hợp UNESCO tổ chức hội thảo phát động - triển khai và tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ tham gia Dự án; xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình và phân công giảng viên tham gia giảng dạy cho nhóm đối tượng thuộc Dự án. Các nghề đào tạo gồm: Bảo dưỡng máy lạnh, lắp đặt điện dân dụng, lắp ráp và cài đặt máy tính, kỹ thuật trồng rau hữu cơ, hướng dẫn du lịch cộng đồng. Đồng thời phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, vận động 200 TE và TN (từ 15 - 25 tuổi) thuộc các huyện, thành phố tham gia học nghề. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Trường CĐCĐ Đồng Tháp và UNESCO đã tổ chức bế giảng, trao Chứng chỉ và giới thiệu việc làm giúp cho TE, TN tham gia Dự án.


Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Chia sẻ về Dự án, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết: “Thúc đẩy công bằng và hòa nhập trong giáo dục có nghĩa là khắc phục sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận, tham gia và kết quả học tập. Do đó, Dự án được UNESCO triển khai tại các Quốc gia ASEAN nhằm giúp TE và TN ngoài nhà trường được học nghề, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần để không ai bị bỏ lại phía sau”.


Các đại biểu dự chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức hội nghị

Tại hội nghị, đại diện UNESCO thông tin những kết quả đạt được trong triển khai các Dự án tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam; chia sẻ bài học kinh nghiệm đào tạo thường xuyên cho các nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương; điển hình hay nhằm thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng thành phố học tập, góp phần phát triển nguồn nhân lực và kinh tế - xã hội. Đồng thời thảo luận giải pháp hiệu quả để tiếp tục nhân rộng mô hình, đảm bảo một nền giáo dục chất lượng công bằng và hòa nhập cho TE, TN ngoài nhà trường, hướng đến mục tiêu phát triển xã hội bền vững của UNESCO.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn