Nét đẹp của sự đơn giản trong giảng dạy tiếng Anh
Cập nhật ngày: 24/06/2020 10:08:18
ĐTO - Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các phần mềm ứng dụng, việc giảng dạy tiếng Anh cũng thay đổi một cách đáng kể theo chiều hướng tích hợp ngày càng cao. Việc ứng dụng công nghệ trong bài giảng, sự kết hợp các kỹ năng, việc đan xen các phương pháp đã phát huy rất nhiều hiệu quả. Một bài dạy tốt thường được chuẩn bị công phu, với nhiều công đoạn và các thủ thuật cầu kỳ. Chính trong cơn lốc ấy, việc thể hiện bài giảng hiệu quả theo cách đơn giản lại là một nét đẹp hiếm hoi, mà không cần bất kỳ một giải pháp cầu kỳ, hiện đại với công nghệ đỉnh cao nào (Hemig, 2009, dẫn trong Schmoker, 2011).
Một giờ học ngoại ngữ ở Trường Đại học Đồng Tháp. Ảnh tư liệu
Cuộc hành trình đi tìm những giờ dạy tốt cho môn tiếng Anh trong mấy năm gần đây đã để lại cho người viết nhiều trăn trở. Nhiều giờ dạy công phu, chuẩn bị thật cầu kỳ, dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi. Sự quá tải có thể nhận thấy ở việc người dạy trình bày rất nhiều nội dung trong giờ giảng. Và đôi khi, việc phô diễn kỹ thuật giảng dạy lại phản tác dụng. Việc giáo viên chưa sử dụng tốt khẩu lệnh trên lớp, hay khẩu lệnh còn dài dòng, hoặc phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ luôn tạo ra những tiết học rườm rà, hình thức. Thế nên, liệu chúng ta có thể có một giờ dạy đơn giản mà vẫn mang lại hiệu quả cao hay không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể được. Thảo luận về sự đơn giản trong một bài dạy tiếng Anh, Schmoker (2011) đề cập đến 3 yếu tố: nội dung, phương pháp và các kỹ năng đích thực. Theo đó, nội dung đơn giản thể hiện trong chính chương trình giảng dạy với những chuẩn mực có chọn lọc và các chủ đề thích hợp. Sự đơn giản trong phương pháp để mang lại một bài dạy hiệu quả thể hiện ở chỗ: “Những nỗ lực có chủ ý, trong suốt quá trình dạy, để đảm bảo rằng người học tiếp cận và hiểu kịp từng phần trước khi sang nội dung khác” (Schmoker, M. J. (2011), trang 10). Những kỹ năng đích thực theo tác giả quyển sách vừa dẫn chính là những kỹ năng mà người học thực sự lĩnh hội được qua quá trình học.
Nét đẹp trong sự đơn giản được tìm thấy ở các bài dạy: có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với trình độ và nhu cầu người học, có thể đo được khi kết thúc bài; nội dung sát với mục tiêu bài dạy, có khả năng ứng dụng cao; các phương pháp chọn lựa đơn giản, hiệu quả, tạo cơ hội cho người học thật sự học: được luyện tập, được cọ xát và sử dụng ngôn ngữ một cách tối đa. Ngoài ra, việc sử dụng khẩu lệnh bằng tiếng Anh nên được duy trì thường xuyên trong suốt quá trình dạy và tuân thủ quy tắc “K.I.S.S” (Keep it short and simple - ngắn gọn, đơn giản).
Giáo viên cũng nên cân nhắc việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đành rằng, các phần mềm, các chương trình vi tính có thể hỗ trợ rất nhiều cho quá trình dạy học ngôn ngữ, nhưng nếu quá phụ thuộc vào chúng, thì giáo viên có thể đánh mất đi sự sáng tạo của mình. Ngoài ra, khả năng tương tác trong suốt quá trình dạy học sẽ bị xem nhẹ. Cụ thể là tương tác giữa giáo viên và người học, giữa người học và người học, và giữa người học với tài liệu học tập có thể bị bỏ qua, hoặc không được chú trọng đúng mức. Nhiều giáo viên bị phụ thuộc hoàn toàn vào các kỹ thuật vi tính và các phần mềm ứng dụng mà bỏ qua việc tương tác với người học, và không dành cho người học đủ thời gian, cơ hội thực hành và lĩnh hội chủ điểm ngôn ngữ đang trình bày.
Albert Einstein từng phát biểu rằng: “Nếu ta không thể diễn tả vấn đề một cách đơn giản, chúng ta chưa hiểu rõ chúng” (If you can’t explain it simply, you don’t understand it well enough). Thế nên, để đảm bảo một bài dạy đơn giản mà hiệu quả, giáo viên cần phải nắm rõ mục tiêu bài dạy và nội dung cần giảng dạy. Ngoài ra, việc lưa chọn phương pháp cũng nên lưu ý đến cơ hội cho người học hiểu rõ và thực hành các điểm ngôn ngữ. Cùng với việc sử dụng các khẩu lệnh thật sự ngắn gọn, đảm bảo người học theo kịp từng yêu cầu, kết hợp với việc khai thác các phương tiện kỹ thuật thật hợp lý, bài dạy sẽ thành công. Và đó chính là nét đẹp của sự đơn giản trong giảng dạy tiếng Anh, như Leonardo Di Vinci từng nói: “Đơn giản chính là đỉnh cao của sự cầu kỳ”.
THẠCH PHAN