Ngành Văn hóa du lịch: Nhu cầu việc làm cao và nhiều cơ hội thăng tiến cho sinh viên

Cập nhật ngày: 20/01/2016 11:46:03

Trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, ngành du lịch là 1 trong 8 ngành nghề được thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN. Điều này mở ra cơ hội về nhu cầu nguồn nhân lực ngành Văn hóa du lịch (Việt Nam học) trong các doanh nghiệp của Việt Nam và các nước trong khu vực.


Sinh viên Khoa Văn hóa - Du lịch của Trường Đại học Đồng Tháp tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch

Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế 10%/năm, theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam năm 2015 sẽ thu hút 7 - 8 triệu lượt khách quốc tế, 32 - 35 triệu khách nội địa. Ước tính năm 2020, Việt Nam sẽ đón 11 - 12 triệu lượt khách quốc tế và 45 - 48 triệu khách nội địa, doanh thu du lịch sẽ đạt từ 18 - 19 tỷ USD, với tổng số 580.000 buồng phòng, tạo ra 3 triệu việc làm cho người lao động. Cũng theo thông tin của Tổng cục Du lịch, cả nước có hơn 7.000 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động và nhu cầu mỗi năm của ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động, nhưng số lượng sinh viên (SV) chuyên ngành ra trường chỉ đáp ứng 60% nhu cầu, trong đó chỉ có 12% đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Theo số liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, vẫn còn khoảng 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour không đạt chuẩn ngoại ngữ. Ngành du lịch cũng đang hướng tới trong những năm tiếp theo sẽ có 80% lao động phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ (tương đương 1,5 - 2 triệu lao động); 100% cơ sở đào tạo có chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn, với 100% giáo viên được đào tạo và chuẩn hóa.

Những con số nêu trên là minh chứng cho “sức nóng” nguồn cầu nhân lực của ngành du lịch Việt Nam và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điều này chứng tỏ khối ngành Văn hóa du lịch thực sự đang phải trải qua một “cơn khát” nhân sự có năng lực. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích thị trường lao động, đây là khối ngành có lượng nhu cầu nhân sự gấp 2 - 3 lần so với các ngành trọng điểm khác như: giáo dục, y tế, tài chính, bất động sản, công nghệ thông tin... Tính đến nay, cả nước có 700.000 người làm việc trực tiếp và hơn 1,5 triệu người làm việc gián tiếp trong khối ngành du lịch. Rất nhiều người trong số này chưa đủ kỹ năng về nghề nghiệp, ngoại ngữ. Đây là hệ quả tất yếu của việc đào tạo thiếu thực tế “nặng lý thuyết - nhẹ thực hành”.

Để đáp ứng nhu cầu trên, Khoa Văn hóa - Du lịch của Trường Đại học Đồng Tháp đã tập trung quan tâm đầu tư phát triển chương trình đào tạo ngành Văn hóa du lịch (Việt Nam học) theo hướng tiếp cận tích hợp kiến thức chuyên môn, thực hành, trải nghiệm thực tế, hỗ trợ SV hình thành kỹ năng nghiệp vụ: thuyết minh điểm du lịch, lữ hành, nhà hàng và khách sạn để khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu phát triển theo chuẩn nghề du lịch được Tổng cục Du lịch Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong cộng đồng ASEAN. Song song đó, để tạo điều kiện cho SV tham gia vào các hoạt động thực hành thực tập tại doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Khoa chủ động ký kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch - nhà hàng - khách sạn - cơ quan quản lý nhà nước về giảng dạy cho SV. Đặc biệt, Khoa đã quan tâm hỗ trợ cho SV rèn luyện, hình thành các kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng tiếng Anh, để SV tốt nghiệp sẽ nắm vững kiến thức về lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội am hiểu về đất nước con người Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch cho biết: “Kết quả cuộc khảo sát việc làm của SV ngành Văn hóa du lịch của Khoa, tỷ lệ có việc làm đạt trên 80% trong nhiều năm liền. Riêng khóa tân cử nhân ra trường năm 2015 có gần 90% tìm được việc làm tại các đơn vị kinh doanh du lịch và có nhiều SV nhận được lời đề nghị làm việc tại các doanh nghiệp khi đang học tập tại trường”.

Bạn Dương Minh Trí - SV lớp ĐH Việt Nam học 2013 chia sẻ: “Khi học tại khoa Văn hóa - Du lịch, chúng tôi được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động xã hội, trải nghiệm thực tế qua các hoạt động tình nguyện trong các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi thấy đây là cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành, kỹ năng mềm để tự tin về bản thân và năng động hơn trong quá trình làm việc sau này”.

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ hội nhập kinh tế là quan trọng, ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế của Việt Nam và địa phương. Do đó, khi tốt nghiệp THPT, học sinh chọn các ngành nghề như ngành Văn hóa du lịch là một trong những xu thế mới để tận dụng thời cơ mới đang mở ra cho Việt Nam. Việc chọn ngành học cho học sinh THPT tại địa phươn, cũng cần có sự đồng thuận giữa chính quyền, nhà trường, phụ huyn, để cùng làm tốt việc định hướng chọn ngành, chọn nghề và sự hỗ trợ từ doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế.

NGUYỄN MINH - DƯƠNG TÙNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn