Người... “vé vớt”
Cập nhật ngày: 01/02/2021 15:46:59
ĐTO - “Sau khi đọc “tâm thư” của Thắng, tôi quyết định phá lệ: đề xuất nhận Thắng về Đồng Tháp như một cách trao cơ hội...” - Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Văn Đệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp (ĐHĐT) nhớ lại thời khắc trao chiếc “vé vớt” cho cử nhân chân đất xứ Nghệ cách đây 18 năm.
PGS.TS Hồ Sỹ Thắng
“Ông đồ” xứ Nghệ trên Đất Sen Hồng
Sáng ngày 24/1, ngày cuối tuần, sân trường ĐHĐT se lạnh. Những cơn gió cuối Đông như mơn man lên từng chồi non đang thì chực nẩy lộc đón Xuân, nhưng phía trước hội trường vẫn nhộn nhịp dòng người từ nhiều tỉnh đổ về dự lễ nhận bằng thạc sĩ. Ai cũng rạng ngời, nói cười giòn như pháo Tết... ngày xưa. Bởi ở vùng thuần nông như Đồng Tháp nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, học vị thạc sĩ đã được xếp vào hàng “học cao” nên một người lãnh bằng, thường có cả đoàn thân nhân tháp tùng theo chia vui. Và ai cũng cố diện cho mình bộ cánh đẹp nhất để xứng tầm với sự kiện trọng đại này... Khi tiếng chuông báo hiệu buổi lễ bắt đầu, tất cả những nam thanh nữ tú trong chiếc áo thụng đen lần lượt bước vào hội trường, an vị theo sơ đồ Ban tổ chức. Lướt mắt nhìn gần 200 học viên cao học đang ổn định trật tự, PGS.TS. Hồ Sỹ Thắng – Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học ĐHĐT nở nụ rất tươi như sự mãn nguyện. Bởi đằng sau sự hài lòng của người chịu trách nhiệm trực tiếp của buổi lễ, còn có niềm vui lớn hơn: chứng kiến lứa đào tạo cao học đầu tiên của mình quản lý đã tốt nghiệp.
“Hôm nay cảm giác rất vui”- PGS. Thắng bồi hồi – “Các học viên không chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, mà còn có trên 30 người đạt thành tích học tập xuất sắc, được nhà trường khen thưởng”. Năm 2018, khi đang làm Trưởng khoa Tài nguyên – Môi trường, PGS. Thắng được điều động về quản lý Khoa Đào tạo sau đại học thay cho một vị Phó Giáo sư đã hết tuổi quản lý. Quản lý tổ chức có tầm vóc đào tạo trình độ cao nhất trường, là nhiệm vụ “nặng nề” với nhiều người làm việc trong trường đại học và càng nặng nề hơn đối với người vừa qua tuổi tứ tuần như Thắng. Hơn thế nữa, vừa nhận nhiệm vụ mới, Thắng đã tiếp nhận ngay trọng trách quản lý đào tạo cho gần 200 học viên vừa trúng tuyển cao học khóa 7 (2018-2020). Đây là khóa có số lượng lớn và đặc biệt hơn là phần lớn đối tượng là nhà giáo đến từ nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nên nhiều đồng nghiệp lo cho Thắng ... Với tinh thần truyền thống của “ông đồ xứ Nghệ”, sau thời gian ngắn “học việc”, Thắng đã nhanh chóng nắm bắt rồi vươn lên làm chủ công việc. Bên cạnh việc kế thừa thành tựu tiền nhiệm, Thắng triển khai nhiều cách làm mới trong quản lý, điều hành... Điển hình như đổi mới nội dung, phương thức tuyển sinh, đào tạo... Qua đó không chỉ góp phần đưa chỉ tiêu tuyển sinh đạt trên 93% theo năng lực. Nhưng quan trọng hơn là chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học của học viên tăng mạnh. “Tỷ lệ học viên bảo vệ có bài báo khoa học ngày càng cao, thậm chí có cả bài báo quốc tế”- TS. Lương Thanh Tân – Quyền Hiệu trưởng ĐHĐT đã tự hào khi nói về thành tích quản lý của PGS. Thắng.
Vươn lêntừ chiếc “vé vớt”
Cũng như nhiều người, trong mắt nhiều đồng nghiệp, học viên, PGS. Thắng là biểu tượng của sự thành đạt. Thế nhưng, ít ai biết rằng PGS. Thắng đã xuất phát từ chiếc “vé vớt” ở phút “bù giờ”. Chuyện bắt đầu vào năm 2003, khi ông Nguyễn Văn Đệ, trong vai trò Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính được Hiệu trưởng Trường ĐHĐT ủy quyền ra Đại học Vinh chọn sinh viên vừa tốt nghiệp về để đào tạo bổ sung cho đội ngũ giảng viên cho ngôi trường vừa được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm. Sau khi chọn đủ nhân sự trên cơ sở giới thiệu của Phòng Đào tạo cho các bộ môn cần thiết theo kế hoạch, về tới Đồng Tháp, ông Đệ bất ngờ nhận được thư tay của Hồ Sỹ Thắng. “Trong thư Thắng bày tỏ mong muốn được về ĐHĐT công tác để có điều kiện nghiên cứu, học nâng cao”- ông Đệ nhấp ngụm trà như để bày tỏ tiếc nuối – “Sau nhiều lần di chuyển nơi ở, làm việc, bức thư đã thất lạc trong những trang sách nào đó... nhưng mãi đến nay tôi vẫn nhớ như in cái tinh thần của Thắng lúc đó: Rất quyết liệt, cuồng nhiệt đến mức mỗi câu, mỗi chữ như vừa thôi thúc, như vừa cam kết...”.
Đã 18 năm qua, giờ đã hết tuổi làm quản lý, nhưng PGS.TS. Nguyễn Văn Đệ, nguyên Hiệu trưởng ĐHĐT vẫn nhớ như in sự kiện này: “Lúc này, tôi nhớ ra trong hồ sơ mà Đại học Vinh giới thiệu có Thắng với điểm số học tập cũng rất ấn tượng. Nhưng do mỗi bộ môn chỉ có 1 chỉ tiêu, mà trong lớp này có 1 người có điểm số nhỉnh hơn nên tôi đã để Thắng lại. Tuy nhiên, sau khi đọc tâm thư của Thắng, cảm nhận được tâm huyết với nghề ẩn mình đằng sau những con chữ, nên tôi đã mạnh dạn phá lệ: tham mưu, thuyết phục Hiệu trưởng ĐHĐT lúc đó là Lê Hiển Dương đồng ý tuyển như một cách trao cơ hội..”. Không phụ lòng tin, ngay khi về công tác, Thắng đã tăng tốc các hoạt động nghiên cứu... Vì thế là ngay năm đầu làm việc, giảng viên trẻ Hồ Sỹ Thắng đã trúng tuyển khóa đào tạo thạc sĩ. Thắng hoàn thành học vị Tiến sĩ chuyên ngành hóa học khi tròn 35 tuổi. Và đúng 15 năm sau khi về ĐHĐT, Thắng được phong hàm Phó Giáo sư ngành Hóa học.
PGS.TS Hồ Sỹ Thắng trao bằng Thạc sĩ các học viên khóa VII (2018 – 2020)
Nở hoa trên đất tình người
“Nếu có lời cảm ơn, xin dành gởi đến người Đồng Tháp - Đất Sen hồng. Bởi chính vùng đất an lành, hiếu khách này đã dưỡng nuôi, tạo điều kiện và nâng bước người bình thường như tôi có được ngày hôm nay”- PGS. Hồ Sỹ Thắng tiếp tục khiến chúng tôi ngạc nhiên khi hé lộ gia thế và thành tích học không có gì đặc biệt trước khi đạt học vị Phó Giáo sư. Sinh đúng ngày 30/4/1975 trong gia đình nông dân nghèo có 10 người con ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An), Thắng lớn lên trong thiếu thốn tứ bề. Nhưng bù lại, tạo hóa đã ban tặng cho Thắng sự giàu có về nghị lực. Bất cấp cái nghèo đeo bám, Thắng một lòng đi học. Không đủ ăn vẫn học, ăn độn vẫn học; học mọi lúc mọi nơi có thể... Chính ngọn lửa mê học của Thắng đã lan tỏa sức thuyết phục để người cha “đặc cách” cho con trai thứ 9 học một mạch đến đại học. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, niềm đam mê Hóa học đã thôi thúc Thắng tìm... cơ hội để học tiếp. “Vì thế khi được lãnh đạo ĐHĐT mở lòng, chìa ra chiếc “vé vớt” ở phút “bù giờ”, tôi đã nắm bắt ngay”- PGS. Thắng nhớ lại. Vào đây, Đồng Tháp trù phú và nghĩa tình làm cho Thắng an tâm tăng tốc trên con đường học tập với sự nâng bước của tình người Đồng Tháp. “Trong hành trang vào Đồng Tháp của tôi lúc đó chỉ có nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng nhờ nơi đây có chính sách ưu đãi đã tạo điều kiện cho tôi vươn lên”- Thắng bồi hồi.
Được tỉnh Đồng Tháp hà hơi, tiếp sức và ủng hộ chủ trương để tăng cường nguồn năng lực đáp ứng nhu cầu công việc, lãnh đạo Trường ĐHĐT đã mạnh dạn xây dựng cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho mọi giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có thêm điều kiện học nâng cao trình độ. “Không chỉ cho tạm ứng đúng và đủ tiền tàu xe, chi phí học tập..., sau khi tốt nghiệp, chúng tôi còn được nhận số tiền thưởng đủ để trả nợ đã tạm ứng”- Thắng chia sẻ. Chính sự tiếp sức thiết thực này đã thắp lên ngọn lửa trong Thắng và nhiều giảng viên trẻ phần lớn là con nhà nghèo ở ĐHĐT vững tin dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Riêng Thắng, vừa căng mình hoàn thành giáo trình “Hóa keo và Hấp phụ”- NXB Giáo dục Việt Nam, 2/2015 (Chỉ số ISBN: 978 - 604 - 0 - 08067 – 7) và chủ biên đầu sách khác, vừa chủ động liên hệ và được Đại học Huế mời tham gia hướng dẫn nhiều học viên cao học. Đến nay, bên cạnh việc hoàn thành hướng dẫn 10 học viên cao học, Thắng còn bắt tay thực hiện nhiều hoạt động để chuẩn bị cho ĐHĐT được công nhận mã ngành đào tạo Tiến sĩ ngành Hóa học.
Trò chuyện trước thềm năm mới, PGS. Thắng chia sẻ, sắp tới sẽ sắp xếp để vợ (đang là thạc sĩ giảng dạy tại Khoa Sư phạm Khoa học xã hội - ĐHĐT) hoàn thành chương trình Tiến sĩ như chính sách khuyến khích của ĐHĐT: cặp vợ chồng cùng là Tiến sĩ. “Giờ đã có tích lũy từ nguồn nghiên cứu khoa học nên cuộc sống dễ thở hơn”- Thắng làm tôi vui lây khi liệt kê ra hơn 30 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, chủ nhiệm 5 đề tài cấp bộ và cơ sở... Điều này không chỉ giúp chàng trai xứ Nghệ chủ động hơn trong việc lo liệu chuyện học hành... mà còn là thành tựu, là cơ sở để bản thân anh phấn đấu vươn tới chinh phục khoa học theo hướng thiết thực. Và hoàn thành chức danh Giáo sư - học hàm cao nhất trong hệ thống giáo dục Nhà nước. Thành công của Thắng không chỉ tô điểm cho nỗ lực vươn lên của tinh thần xứ Nghệ, mà còn gợi mở cho chúng ta nhiều điều về bài học quản lý về nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển hội nhập...
“Cá nhân tôi cũng như lãnh đạo ĐHĐT rất lấy làm tự hào về Thắng. Không chỉ thể hiện chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy... góp phần nâng cao thương hiệu ĐHĐT, mà chính câu chuyện khởi nghiệp của Thắng lan tỏa phong trào vượt khó trong sinh viên”. Xin mượn lời PGS.TS. Nguyễn Văn Đệ chia sẻ về PGS.TS. Hồ Sỹ Thắng để kết thúc bài viết này với thông điệp về công tác nguồn nhân lực: Nếu có tầm nhìn về tiềm năng, có tâm trong nuôi dưỡng... sẽ đánh thức tiềm lực bên trong mỗi con người, kể cả là người “vé vớt” để làm giàu nguồn nhân lực cho mỗi địa phương, đơn vị, doanh nghiệp...
LỤC TÙNG - DŨNG CHINH