Nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong trường học

Cập nhật ngày: 10/07/2021 06:14:22

ĐTO - Thực hiện phương châm học sinh (HS) Đất Sen hồng tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới chất lượng giáo dục trong đó có hoạt động khuyến khích nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong trường học, phục vụ cho hoạt động dạy học của giáo viên và trải nghiệm đối với HS các cấp học.


Học sinh tham gia mô hình ”Nói không với rác thải nhựa”

Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cùng các đơn vị trường đã duy trì, nhân rộng các mô hình như: Giáo dục kĩ năng tham gia giao thông an toàn; Nói không với bạo lực học đường; Ngày hội khéo tay kĩ thuật... Tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với thực tế của các trường tiểu học, các câu lạc bộ trong trường học; hoạt động sân khấu hóa trong tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, “Em làm hướng dẫn viên du lịch”; hội chợ chia sẻ đồ dùng đồ chơi ở trường; tổ chức các hoạt động dạy học liên môn; nhà vệ sinh thân thiện;...

Năm học 2020 - 2021, các đơn vị trường tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới các hoạt động sáng tạo, lồng ghép các hoạt động giáo dục HS, khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục học tập và sáng tạo trong hoạt động chuyên môn và hoạt động phong trào. Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo các đơn vị trường đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường học đường thân thiện, xanh, sạch, đẹp. 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, thực hiện rất hiệu quả. Trong đó cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh HS, HS và các tổ chức trong nhà trường tham gia tích cực trong việc trồng cây xanh, trang trí lớp học, trường học, nhà vệ sinh,... Đặc biệt, các trường thực hiện tốt phong trào do Sở GD&ĐT phát động “Nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích HS thu gom rác để đúng nơi quy định, tái chế các vật dụng từ rác thải nhựa thành các vật dụng dùng trong sinh hoạt.

Nhiều em HS tại các đơn vị trường đã hưởng ứng thực hiện tốt việc tái chế, tái sử dụng vật phế liệu như các vỏ xe, chai, lọ, đĩa nhạc,... để làm thành những bồn hoa, lọ hoa, hàng rào... Các hoạt động phong trào mang tính tập thể, giữ gìn môi trường đã tác động tích cực đến ý thức của các em HS. Đặc biệt, Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên các trường tận dụng các khoản sân trường để trồng cỏ, cải tạo và bố trí thành điểm vui chơi, khu vực đọc sách giúp các em HS hoạt động trải nghiệm ngoài giờ học. Ngoài ra, giáo viên các trường còn chủ động lồng ghép các nội dung từ các bài giảng như công thức Toán học, từ vựng tiếng Anh, những câu nói hay và bố trí hoặc chuyển thành các bức vẽ bích họa tại nơi HS thường đến để các em xem và dễ nhớ các bài học...

Ngoài ra, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường đã tổ chức tập huấn và tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn tỉnh. Với các hình thức, hoạt động phong trào tổ chức trong trường học đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực cho HS, thu hút các em HS tham gia hưởng ứng tích cực. Qua đó, hình thành nhân cách, thói quen, phát triển năng khiếu và tự tin tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc. Cụ thể đạt các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và các học bổng của Ban Tổ chức tại các cuộc thi cấp Quốc gia như cuộc thi Vẽ tranh Quốc tế Toyota lần thứ 9 với chủ đề “Chiếc ô tô mơ ước”, sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ” lần thứ 12 do Công ty Honda Việt Nam và Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức.

Thực hiện đổi mới trong hoạt động dạy và học, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong trường học, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường tiếp tục củng cố, phát triển các mô hình hiện có, đa dạng các hình thức, nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động phong trào, mở rộng đối tượng HS, khuyến khích phụ huynh HS cùng tham gia. Tham mưu, đề xuất các nguồn kinh phí từng bước hoàn thiện các sân chơi cho HS, khuyến khích các em tham gia các mô hình, sinh hoạt trải nghiệm ngoài giờ lên lớp trong khuôn viên trường học.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn