Nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trường học
Cập nhật ngày: 19/08/2016 16:41:34
ĐTO - Năm học mới sắp bắt đầu, cùng với các hoạt động chuyên môn, các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của học sinh (HS) đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai đến các đơn vị nhằm thực hiện mục tiêu không có HS vi phạm pháp luật, không bạo lực học đường...
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình an ninh trật tự trong trường học tại huyện Lấp Vò
Trong môi trường học đường, mạng xã hội là một trong những điều kiện tốt để HS kết bạn. Khảo sát thực tế 90 HS (khối lớp 10,11) tại 1 điểm trường THPT, đa số các em đều trả lời đang tham gia mạng xã hội. Một số em chủ động kết bạn với nhau, một trong những người bạn mà các em kết bạn là dân độ xe chuyên nghiệp, bán shisha, cho thuê xe ô tô, ... Nổi lên là hiện tượng một số em HS cần tiền mua sắm, ăn chơi nên mượn tiền bạn bè, đi vay bạn bè hoặc vay bên ngoài. Để tránh bị phát hiện, mọi giao dịch vay, mượn tiền đều được các em thực hiện trên mạng xã hội. Khi các em vay, mượn đều phải viết giấy cam kết trả tiền, nếu không trả tiền, những đối tượng cho vay này sẽ đến lớp hoặc đến tận nhà đòi nợ. Tiền vay mượn được dùng để mua quần áo, đi chơi với bạn bè... Một số HS dù chưa đến tuổi điều khiển phương tiện nhưng vẫn lén lút sử dụng xe gắn máy đi chơi với phần tử xấu bên ngoài trường học.
Theo số liệu của Công an tỉnh, từ năm 2010 - 2015 có gần 800 HS chưa ngoan vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm về an toàn giao thông được Công an, Ban Giám hiệu (BGH), giáo viên (GV) nhà trường tiếp xúc, vận động, giáo dục. Mỗi năm học, Sở GD&ĐT, Công an tỉnh ký kết liên tịch công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các trường, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Sở GD&ĐT chọn Trường THPT Thành phố Sa Đéc, Trường THPT Lấp Vò 3 làm điểm. Trường THPT Lấp Vò 3 là đơn vị có nhiều giải pháp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp đều được BGH, GV lồng ghép tuyên truyền các vấn đề liên quan đến pháp luật. BGH trường phối hợp với Công an tỉnh, huyện, xã tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội...; thành lập Đội An ninh trường học. Những thành viên trong đội có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, báo cáo GV chủ nhiệm những HS bỏ học, uống rượu, tụ tập đánh nhau bên trong, ngoài nhà trường. BGH tiếp nhận nhiều tin báo liên quan đến HS và cùng cơ quan công an ngăn chặn kịp thời 1 vụ HS trường khác cùng đối tượng bên ngoài vào trường gây rối, báo cho công an bắt 1 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích lẩn trốn trong khu vực nhà trường. Từ hiệu quả của mô hình Trường THPT Lấp Vò 3, Trường THPT Thành phố Sa Đéc, đến nay có 206 trường thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố thực hiện với 803 tổ, đội, 1.286 thành viên tham gia, góp phần tích cực vào việc phát hiện, chấn chỉnh một số HS cá biệt, lười học tập, có mối liên hệ với thanh thiếu niên không tốt bên ngoài, vướng vào tệ nạn xã hội. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh không có trường hợp HS vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Hoạt động đảm bảo an ninh trật tự trường học là một trong những giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, do đó mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều chủ động phối hợp với Công an tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trực tiếp xuống các trường tư vấn, trao đổi trực tiếp với HS, GV các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông, tệ nạn xã hội. Sở GD&ĐT, các trường ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, GV bộ môn Giáo dục công dân, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được tạo điều kiện, bồi dưỡng kiến thức; các thư viện trường học sẽ được bổ sung tủ sách pháp luật; phát động phong trào viết sáng kiến, làm đồ dùng dạy học, sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ cho việc giáo dục pháp luật ngoại khóa, chính khóa..., tổ chức thi ứng xử tình huống sư phạm trong GV, HS để GV, HS chia sẻ những kinh nghiệm tốt, mô hình hay trong trường học, hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật.
C.Phương