Nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông

Cập nhật ngày: 14/04/2014 04:14:20

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn; 2 môn thi còn lại trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (thi trắc nghiệm 60 phút), Lịch sử, Địa lý (thi tự luận 90 phút) và Ngoại ngữ (gồm phần thi viết, trắc nghiệm 60 phút). Thời gian thi 2 môn bắt buộc rút ngắn từ 150 phút xuống còn 120 phút. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày thay vì 3 ngày như trước đây. Nếu như trước đây điểm liệt của học sinh (HS) là 0 điểm thì nay là 1 điểm.

Năm nay, các HS được tuyển chọn tham gia thi quốc tế, khu vực về khoa học kỹ thuật được miễn thi tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp là số điểm tổng 4 bài thi, cộng điểm ưu tiên (nếu có) chia cho 4, rồi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia cho 2. Riêng hệ giáo dục thường xuyên điểm xét tốt nghiệp sẽ cộng điểm 4 bài thi, cộng điểm bảo lưu, cộng điểm khuyến khích (nếu có) rồi chia cho 4, sau đó lấy điểm trung bình cả năm học lớp 12 chia cho 2.

Hiện nay các HS đang trong giai đoạn ôn thi ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến. Bỏ bớt 2 môn thi, đa số HS đều rất vui mừng. Em Diệp Anh - HS Trường THPT Trần Quốc Toản, Cao Lãnh cho biết: “Bớt 2 môn thi giúp chúng em giảm bớt áp lực thi cử. Ở trường thầy cô rất quan tâm đến việc ôn tập cho các em. Vì vậy, chúng em cũng rất tự tin cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và hướng đến kỳ thi đại học sắp tới...”.

Các chương trình tăng tiết được thực hiện ngay từ đầu năm học, nên hiện nay các trường chủ yếu hệ thống kiến thức, hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản để các em làm bài thi. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường hoàn thành chương trình ôn tập đúng thời gian kế hoạch chương trình, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định từ trước; do việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS học kỳ II và cả năm học năm nay có thay đổi nên các trường phải đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng học lực thực chất của các em; đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để HS được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội; đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.

Giáo viên cần hướng dẫn HS vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của HS với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ, giúp những học sinh học hơi yếu nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn